Hậu dịch Covid-19, các HTX, tổ hợp tác đang đẩy mạnh tái đàn lợn (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Hậu dịch, tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích tái đàn cả trong trang trại và nông hộ, song tập trung mạnh ở khối trang trại vì việc đảm bảo an toàn dịch bệnh ở các đơn vị lớn được thực hiện rất chặt chẽ. Số liệu tổng hợp đến thời điểm này cũng cho thấy, tỷ lệ chăn nuôi trang trại toàn tỉnh đã tăng lên đạt 55%, cao hơn trước đây từ 15 - 25%.
Tăng số lượng đàn
Nhờ chú trọng khâu phòng dịch, trong “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi, một số HTX vẫn tăng về doanh thu. Điển hình như trại lợn của Giám đốc HTX Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên) Phạm Văn Cảnh đều đều xuất lợn thương phẩm đi các tỉnh. Ông Cảnh chia sẻ: “Thời điểm tâm dịch là tháng 7/2019, tôi xuất gần 400 con, tháng 8 xuất gần 500 con. Giá đợt tháng 7 chỉ đạt 35.000 đồng/kg nhưng sang tháng 8 đã tăng lên 41.000 đồng/kg. So với thời điểm trước khi có dịch trên địa bàn, mức giá này cao hơn khá nhiều. Trừ chi phí, gia đình còn lãi khoảng 600.000 đồng/con”.
Khi nhiều hộ chăn nuôi phải “chật vật” chống dịch thì đây được coi là thắng lợi lớn với gia đình ông Cảnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch tả lợn đã “đi qua”, HTX Hợp Lực tập trung toàn bộ nguồn lực đẩy mạnh gia tăng số lượng đàn lợn.
“Giai đoạn này, tái đàn là phù hợp và cực kỳ cần thiết, nhưng chỉ nên tái đàn mạnh ở khối trang trại, còn nông hộ vẫn phải giám sát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hay nói cách khác, muốn tăng đàn, tái đàn an toàn thì quan trọng nhất vẫn là vấn đề môi trường, phải đảm bảo cách ly “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tái đàn mà để dịch bệnh bùng phát thì thiệt hại lần thứ hai này sẽ khiến người chăn nuôi khánh kiệt”, Giám đốc HTX Hợp Lực nói.
Trong khi đó, Giám đốc HTX Chăn nuôi tổng hợp và Xây dựng Minh Lộc (huyện Cẩm Xuyên) Trương Xuân Bính chia sẻ: "Hiện, tổng đàn lợn của HTX đạt quy mô 1.500 con (1.200 con lợn thịt, 300 lợn nái), tăng gần 15% so với cách đây 3 tháng trước. Số lượng lợn nái đã được lấp đầy để cung ứng cho thị trường. Dù việc tái đàn vẫn sẽ cần xem xét nhiều yếu tố, nhưng cơ bản đến thời điểm này, chúng tôi đã khôi phục được lại hoạt động”.
Một thành viên HTX Minh Lộc (huyện Cẩm Xuyên) cũng cho biết thời điểm này, giá thịt lợn cao nhưng trang trại chăn nuôi của gia đình không có lợn để bán, bởi đàn lợn con mới nuôi phải sau từ 3 - 4 tháng mới đạt trọng lượng xuất chuồng. Bên cạnh đó, 20% số lợn bột sản xuất ra sẽ được trang trại giữ lại để gây lợn nái hậu bị.
“Phải mất ít nhất 2 năm mới gây lại được đàn nái như thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, do số lượng đầu nái giảm, trong khi số lượng lợn giống bị chết do dịch chưa thể bù đắp. Vì vậy, giá lợn giống hiện tại lên tới 2,5 - 2,8 triệu đồng/con và đang khan hiếm”, vị này cho hay.
Nhiều HTX gặp trở ngại lớn trong việc tái đàn do giá lợn giống khá cao và khó mua (Ảnh: TL) |
Thiếu nguồn vốn
Dẫu vậy, một số HTX lo ngại, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành đang đẩy mạnh tái đàn, vì vậy vài tháng nữa khi lợn đến thời kỳ xuất chuồng, giá lợn sẽ giảm khiến người chăn nuôi lỗ vốn. “Tái đàn ở thời điểm này, ngoài giá lợn giống tăng cao, giá thức ăn cũng tăng, chúng tôi còn phải mất thêm 15% chi phí cho công tác khử trùng tiêu độc, vệ sinh khu vực chăn nuôi. Nếu như trước đây, chi phí nuôi trung bình từ 3,5 - 3,7 triệu đồng/con 100kg thì nay lên tới trên 5 triệu đồng”, đại diện một HTX cho hay.
Không chỉ gặp trở ngại lớn trong việc giá lợn giống khá cao và khó mua, nguyên nhân thiếu vốn và lo ngại dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại, gây rủi ro lớn khiến nhiều hộ chăn nuôi e dè tái đàn.
Nhiều ý kiến cho rằng công tác tái đàn hiện nay cần nguồn vốn rất lớn, nên ngân hàng phải cùng đồng hành với bà con nông dân, HTX, trang trại chăn nuôi để không chỉ phát triển nhanh mà còn hướng đến mục tiêu bình ổn thị trường với giá cả hợp lý, giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi về lâu dài.
Tại một cuộc hội thảo gần đây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết tốc độ tái đàn lợn ở các doanh nghiệp lớn hiện nay đang tăng rất nhanh. Để đạt mục tiêu khôi phục đàn lợn trên cả nước bằng với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi, trong cuối quý III và đầu quý IV/2020 phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó cần huy động, khuyến khích chăn nuôi nông hộ và cả các HTX đáp ứng điều kiện an toàn sinh học.
Tuy nhiên, nếu đẩy mạnh chăn nuôi nông hộ, trang trại, HTX thì phải tuân thủ nghiêm quy trình an toàn sinh học, bởi nếu để xảy ra dịch bệnh thì lại "thiệt đơn, thiệt kép".
Hà An