Nhắc tới Cao Bằng, nhiều người thường nghĩ ngay tới một số đặc sản như thạch đen, miến dong Phia Đén, hạt dẻ Trùng Khánh… Tuy nhiên, vùng đất sơn thủy hữu tình này còn có một sản vật đặc sắc mà ít người hay biết, đó là cá lồng Pác Đa (xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa).
Thu nhập cao từ cá lồng bè
Để phát huy tiềm năng nuôi cá lồng Pác Đa, năm 2019, HTX cá lồng Pác Đa được thành lập với 17 thành viên. Từ manh mún, nhỏ lẻ, hiện nay, diện tích nuôi cá lồng tại xã Độc Lập quy về một mối, với hơn 50 lồng cá, tạo thành chuỗi liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc HTX Bế Thành Đông cho biết, thành viên phải tuân thủ quy trình nuôi cá sạch của HTX nhằm thống nhất về chất lượng và xây dựng uy tín trên thị trường.
Cụ thể, một lồng chỉ được nuôi thả từ 150 - 300 con cá trắm giống với trọng lượng dưới 0,8 kg/con. Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ voi, lá chuối, ngô, tuyệt đối không dùng cám công nghiệp, tăng trọng. Nhờ nuôi khoa học, sau 8 - 9 tháng, cá của thành viên HTX có thể đạt trọng lượng mỗi con từ 3 - 5 kg. Với giá bán khoảng 120 nghìn đồng/kg như hiện nay, người nuôi “sống khỏe”.
“Nhà tôi hiện có 3 lồng cá, cho khoảng 1,5 tấn cá/năm, sau khi trừ chi phí cũng đem lại thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng”, Giám đốc HTX Bế Thành Đông chia sẻ.
Mô hình nuôi cá lồng bè đang trở thành mũi nhọn giảm nghèo tại nhiều địa phương. |
Cũng được hưởng lợi khi tham gia HTX, anh Bế Ích Việt cho hay trước đây, gia đình anh chỉ biết trồng ngô, lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ nên kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Sau khi tham khảo mô hình của HTX, thấy nuôi cá lồng dễ làm, đầu tư không lớn mà cho thu nhập ổn định, anh đã đầu tư nuôi 2 lồng cá. Giờ đây, cứ dịp cuối năm, thương lái ở thành phố và một số huyện lân cận chủ động gọi điện đặt hàng trước, anh Ích thu hoạch rồi gửi về tận nơi cho khách.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Quảng Hòa, mô hình nuôi cá lồng trên sông bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, có nhiều hộ vươn lên khá giả. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy lợi thế địa phương, mở rộng quy mô, vận động thêm nhiều hộ gia đình nuôi cá theo mô hình này.
"Huyện sẽ xem xét một số chính sách hỗ trợ vốn làm lồng, cấp con giống, mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số mô hình kinh tế tiêu biểu như ở Pác Đa", đại diện Phòng NN&PTNT huyện nhấn mạnh.
Phát huy thế mạnh địa phương
Cũng đang tận dụng tốt thế mạnh vùng lòng hồ tại địa phương, HTX thủy sản Tường Phong (Phù Yên, Sơn La) chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị. Hoạt động của HTX phù hợp với định hướng phát triển ngành thủy sản của tỉnh, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên.
HTX Tường Phong thành lập từ năm 2016, có 102 thành viên tham gia nuôi cá lồng trên diện tích 333 ha mặt hồ thủy điện Hòa Bình. Theo các thành viên, nguồn nước ở đây nhìn chung ổn định, thuận lợi cho phát triển nghề nuôi cá lồng.
Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách vệ sinh lồng cá, phòng chống dịch bệnh, nên đàn cá của các thành viên HTX sinh trưởng và phát triển tốt. Sản lượng cá của HTX liên tục tăng lên. Doanh thu bình quân đạt 50 triệu đồng/lồng, nhiều hộ thành viên có thu nhập 100 - 300 triệu đồng/năm.
Ông Lường Văn Giáp, thành viên HTX cho biết, gia đình có 8 lồng nuôi cá trắm, chép, rô phi và cá lăng. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên là các loại cá nhỏ đánh bắt trên hồ, gia đình ông còn trồng 1 ha cỏ voi làm thức ăn cho cá. Sản lượng cá thịt bình quân đạt gần 1 tấn, mỗi năm thu về 150 triệu đồng.
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX đăng ký 2 gian hàng bán sản phẩm thủy sản tại chợ trung tâm huyện Phù Yên, đồng thời ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số cơ sở tại huyện Phù Yên và Mộc Châu...
Tuy nhiên, dù đã chủ động tìm đầu ra nhưng đến nay, HTX vẫn gặp khó khăn nhất định. Ngoài bán tại chợ trung tâm huyện, sản phẩm vẫn phụ thuộc một phần vào các tư thương đến thu mua hoặc phục vụ nhu cầu trong xã. Chính vì vậy, HTX rất mong tỉnh và huyện quan tâm giúp mở rộng đầu ra cho sản phẩm cá, từ đó phát huy thế mạnh nghề nuôi cá lồng của địa phương.
Ông Đinh Thanh E, Giám đốc HTX cho biết khi thành lập HTX, các thành viên được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng, được tham quan, học tập các mô hình nuôi cá lồng hiệu quả tại các địa phương khác và được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, bảo vệ đàn cá song song với bảo vệ môi trường, nên tư duy sản xuất dần thay đổi, từ đó có được thành công hiện tại.
Có thể khẳng định, các mô hình nuôi cá lồng bè đang cho thấy tiềm năng rất lớn ở các địa phương có thế mạnh về diện tích nước mặt. Tuy nhiên, để nhân rộng, đưa mô hình này trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, các địa phương cần có kế hoạch chi tiết, có các chính sách hỗ trợ thiết thực cả về vốn vay, đào tạo nghề, kết nối thị trường tiêu thụ…
Đoàn Dự