Tại kỳ họp thứ 10 HĐND khóa XIX vừa được tổ chức, huyện Khoái Châu xác định nỗ lực hoàn thành mục tiêu được công nhận huyện NTM trong năm 2020, có thêm 4 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Nhân dân chung sức, đồng lòng
Theo tự đánh giá của huyện Khoái Châu, đến đầu năm 2020, huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và tiến hành các quy trình, thủ tục để các cấp thẩm tra, thẩm định, xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
![]() |
Diện mạo nông thôn khởi sắc với cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang sạch đẹp nhờ chương trình xây dựng NTM (Ảnh: Internet) |
“Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội huyện và nhất là sự đoàn kết thống nhất chung sức của toàn dân”, lãnh đạo UBND huyện Khoái Châu cho biết.
Theo đó, nhiều tiêu chí khó trong xây dựng huyện NTM như giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục... đã được huyện thực hiện với chất lượng tốt. Từ năm 2011 đến hết tháng 12/2019, huyện huy động được tổng nguồn lực trên 6.200 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đóng góp của cộng đồng dân cư và người xa quê chiếm gần 20%.
Nhân dân trong huyện đã tham gia ủng hộ tiền, hiến đất thổ cư, đất sản xuất nông nghiệp để làm giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất và hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông nông thôn, cải tạo, nâng cấp đường sản xuất, nạo vét kênh mương,... Đến nay, nhân dân góp đất để làm đường giao thông, công trình thủy lợi, các công trình phúc lợi khác với tổng diện tích 50.500m2, xây dựng gần 100km “đường hoa phụ nữ”…
Trong các nội dung, tiêu chí thực hiện thì việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được huyện đặc biệt quan tâm. Đến hết năm 2019, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tính theo giá thực tế đạt 1.542,7 tỷ đồng, tăng 47,3% so với năm 2011; cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao.
Nếu như thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2011 mới là 20,96 triệu đồng thì đến năm 2019 đã đạt 71 triệu đồng, dự kiến năm 2020 đạt 76 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 còn dưới 2%.
Hiện nay, cùng với việc hoàn thiện quy trình thủ tục để được công nhận huyện NTM, huyện Khoái Châu tiếp tục chỉ đạo các xã trên địa bàn nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí đã đạt được, xây dựng xã NTM kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu.
HTX phát huy thế mạnh “đất nhãn”
Thời gian này, các vườn nhãn ở xã Hàm Tử đang rộn ràng khách đến đặt hàng, ký kết hợp đồng tiêu thụ. Bằng phương pháp trồng hữu cơ, giống nhãn Miền Thiết cho năng suất và chất lượng cao, nhiều năm qua đã mang lại nguồn thu lớn cho cho nhà vườn nơi đây.
![]() |
Khu vực kinh tế hợp tác phát huy được thế mạnh của vùng đất nhãn, góp phần quan trọng trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM (Ảnh: Internet) |
Hàm Tử là xã NTM của huyện Khoái Châu, có lợi thế là vùng đất màu mỡ được phù sa của sông Hồng bồi đắp qua hàng nghìn năm. Nơi đây là quê hương của giống nhãn Miền Thiết nổi tiếng với trái nhãn to, cùi dày, độ đường cao, để lại sức hút khó quên trong lòng người thưởng thức mỗi khi có dịp về vùng đất này.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nhãn Miền Thiết (xã Hàm Tử) Nguyễn Văn Thế cho biết, với mong muốn đưa giống nhãn đặc sản của quê hương đi khắp thị trường trong và ngoài nước, ngay từ thời điểm mới thành lập (năm 2015), HTX đã xây dựng mô hình thâm canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, HTX trực tiếp thực hiện sản xuất cây giống, bảo đảm nhu cầu thị trường cây giống quanh năm.
Áp dụng phương pháp hữu cơ trong trồng trọt là một trong những nguyên tắc mà thành viên trong HTX phải thực hiện, để bảo tồn và gìn giữ chất lượng, mẫu mã của nhãn Miền Thiết.
Chính vì chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ nên hàng năm người trồng nhãn ở đây thu hoạch với năng suất và chất lượng rất cao, trung bình 60 - 80 quả/kg, độ đường đạt 16 - 22% Brix, mẫu mã tương đối đẹp. Với năng suất 7 - 8 tạ/sào Bắc Bộ (360m2) và giá bán với loại có mẫu mã đẹp khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, người làm vườn ở đây có thể thu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Sau một thời gian kiểm tra, theo dõi, giống nhãn Miền Thiết đã được các bộ, ngành đánh giá là giống nhãn quý, vì thế, năm 2010, giống nhãn này được công nhận là giống nhãn quốc gia, cần được bảo tồn. Năm 2019, HTX nhãn Miền Thiết được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận Nhãn Miền Thiết là sản phẩm nhãn quả tươi OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
“Hiện nay, chúng tôi đang khuyến cáo bà con sản xuất theo hướng hữu cơ và áp dụng quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt. Một điều rất đáng vui mừng là năm 2015, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp cho chúng tôi mã vùng truy xuất nguồn gốc đủ điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Thế phấn khởi nói.
HTX có 27 thành viên hiện đang sản xuất giống nhãn Miền Thiết là chính với tổng diện tích trên 42ha, trong đó có 22ha đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhãn Miền Thiết là giống nhãn chín muộn, cho năng suất cao. Để thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX chủ động cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tới các hộ thành viên. Bên cạnh đó, các hộ thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt, theo dõi, kiểm tra quá trình sản xuất thông qua sổ ghi chép đầy đủ, nên nhãn Miền Thiết đến vụ thu hoạch cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận.
Với việc áp dụng quy trình sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, cùng với việc ứng dụng phần mềm quản lý thông minh Agricheck; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc…, chất lượng và mẫu mã sản phẩm nhãn chín muộn Miền Thiết đã không ngừng cải thiện, không chỉ có mặt tại các cửa hàng, siêu thị trong nước mà còn vươn sang thị trường Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan… Từ đó, các hộ thành viên yên tâm phát triển sản xuất, mỗi vụ thu hoạch trừ các khoản chi phí có lãi 10 - 12 triệu đồng/sào/vụ.
Hiệu quả hoạt động của HTX nhãn Miền Thiết những năm qua không chỉ góp phần mang lại thu nhập khá cho các hộ thành viên, mà còn khẳng định việc tham gia vào mô hình kinh tế hợp tác đang là hướng đi đúng, mang lại nhiều lợi ích cho các hộ nông dân trong quá trình sản xuất. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập và giảm nghèo… trong xây dựng NTM ở địa phương
Đức Nguyễn