Trải qua hơn 1 thập kỷ, đến nay, HTX Hiệp Thắng tiếp tục nỗ lực phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, tạo chỗ đứng ngày một vững chắc cho thương hiệu giữa dòng chảy cuộc sống hiện đại.
Vừa sản xuất, vừa đào tạo nghề
Năm 2014, dưới sự tư vấn, hỗ trợ vốn của Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh, HTX Gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng chính thức được thành lập. Từ đó đến nay, HTX vẫn hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực chế tác và kinh doanh các sản phẩm từ gỗ - nghề truyền thống tại quê hương.
Tiền thân của HTX vốn là một xưởng sản xuất tư nhân. Trong quá trình học hỏi và tiếp xúc với các nghệ nhân tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phù Khê (Bắc Ninh) cùng quá trình dạy nghề cho lao động tự do tại địa phương, Nghệ nhân ưu tú, Giám đốc HTX Nguyễn Trần Hiệp quyết tâm xây dựng một mô hình kinh tế hợp tác với tiêu chí cốt lõi là lan tỏa "lửa nghề" về lâu về dài.
Cũng chính vì thế, xuyên suốt 10 năm xây dựng mô hình, HTX thành công chuyển mình "từ làm công sang làm chủ", đồng thời tập trung vừa sản xuất, vừa đào tạo nghề.
Theo đó, đối với người lao động mới, HTX đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm, cầm tay chỉ việc theo từng khâu... Đối với thợ đã có tay nghề, HTX tạo điều kiện để họ tiếp cận những trang thiết bị máy móc hiện đại, tạo cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cùng quy trình sản xuất hiện đại.
Những ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên và 18 lao động, nhưng đến nay đã thu hút hơn 40 lao động làm việc thường xuyên, trong đó chủ yếu là lao động tại địa phương với nhiều độ tuổi và đầu việc khác nhau. Lao động trẻ sẽ học nghề và làm nghề tại xưởng, lao động lớn tuổi phụ trách các công việc thời vụ nhân lúc nông nhàn, tạo điều kiện tận dụng tối đa nguồn lao động dôi dư, giúp họ có thêm thu nhập.
Xuyên suốt 1 thập kỷ hoạt động, HTX Gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng nổi bật với mô hình vừa sản xuất, vừa đào tạo nghề. |
Thêm vào đó, với động lực từ nhu cầu thị trường, quy mô của HTX Hiệp Thắng cũng nhanh chóng được mở rộng. Đến nay, HTX đã có 4 cơ sở sản xuất với tổng diện tích 600m2, gồm: xã Song Giang (Gia Bình): 180m2; xã Nghi Khúc (Thuận Thành): 190m2; thị trấn Từ Sơn: 110m2; xã Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội): 120m2.
Sức hút từ sản phẩm độc bản
Ngoài hoạt động dạy nghề, thành tựu nổi bật của HTX chính là chế tác dòng sản phẩm mỹ nghệ cao cấp, bao gồm tranh cảnh, tranh rồng, tượng, cầu con giống, lọ lục bình các loại,... Tất cả các sản phẩm đều được làm hết sức cầu kỳ qua đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những lao động làm nghề tại HTX.
Một số sản phẩm của HTX và Nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp đã đem về nhiều giải thưởng lớn tại các cuộc thi, trưng bày, triển lãm sản phẩm mỹ nghệ. Tiêu biểu là tác phẩm “Đài sen Long Phụng Tích Phúc” cùng 2 tác phẩm khác của HTX từng được chính quyền tỉnh Bắc Ninh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh.
Theo chia sẻ của Giám đốc Nguyễn Trần Hiệp, hiện HTX đang tập trung vào 2 dòng sản phẩm chính là sản phẩm tự sáng tác và sản phẩm theo đơn đặt hàng. |
Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu, thượng lưu đã tìm đến HTX để sở hữu loạt sản phẩm với chất lượng vượt trội, tính độc đáo sáng tạo, giá trị thẩm mỹ cùng tính nghệ thuật cao, thậm chí còn ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa sâu sa về phong thủy. Vì vậy, nhiều khách đặt hàng sẵn sàng chờ đợi hàng năm trời để có thể nhận về sản phẩm gỗ mỹ nghệ của HTX.
“Mỗi sản phẩm của HTX đều phải trải qua 7 công đoạn từ lựa chọn gỗ, vẽ thiết kế, phát dáng tạo hình, đến gọt dũa, phun sơn... hầu hết đều được làm thủ công nên rất cầu kỳ và mất thời gian, có những sản phẩm phải làm suốt 3, 4 năm trời mới hoàn thiện. Tuy nhiên, HTX luôn nỗ lực, chăm chút, không quản ngại vất vả để có thể đưa đến khách hàng những sản phẩm tốt nhất”, Nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc Nguyễn Trần Hiệp, sản phẩm của HTX có sự khác biệt hoàn toàn để không “đụng hàng” với sản phẩm ngoài thị trường. Từ đường nét đến tạo hình đều được thiết kế riêng, được làm tỉ mỉ bằng phương pháp thủ công qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Chính điều này đã tạo ra hàm lượng giá trị nghệ thuật, giá trị độc bản đặc biệt cao so với nhiều sản phẩm sản xuất hàng loạt trên thị trường.
Đồ gỗ mỹ nghệ của HTX Hiệp Thắng hiện có giá bán khá cao, tập trung quanh 3 phân khúc từ trung bình, cận cao cấp đến cao cấp, dao động trong khoảng vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Đặc biệt, đối với những sản phẩm được đặt làm riêng với kích thước lớn, thiết kế và độ tinh xảo cao, mức giá có thể lên đến hàng tỷ đồng. HTX có nhiều đơn đặt hàng từ các tổ chức, cá nhân trên cả nước, đồng thời xuất khẩu sang nước ngoài.
Việc xây dựng thương hiệu và kinh doanh tương đối thuận lợi giúp HTX đạt doanh thu khoảng 5 tỷ đồng/năm. Mức lương của các lao động tại HTX hiện cũng được đảm bảo ở mức tốt nhất, bình quân từ 4,8 - 8,6 triệu đồng mỗi tháng với nhóm lao động thường, từ 12 - 15 triệu đồng mỗi tháng với nhóm lao động tay nghề cao.
Để thương hiệu HTX vươn xa
Trong những năm kinh tế hậu Covid-19, việc sản xuất và kinh doanh gỗ mỹ nghệ vốn gặp rất nhiều khó khăn do đây là mặt hàng không thiết yếu. Điều này thúc đẩy HTX Hiệp Thắng cùng các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gỗ cần có “tiếng nói chung” với nhu cầu thực của người mua để ra được đơn, bán được hàng, tạo doanh thu.
Dù thương hiệu gỗ mỹ nghệ của HTX đã có những dấu ấn nhất định với khách hàng, song hiện nay việc hoạt động HTX vẫn còn rất nhiều "điểm nghẽn". |
Theo Giám đốc Nguyễn Trần Hiệp, tuy rằng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang thương hiệu HTX đã tìm được chỗ đứng riêng nhờ vào sự thay đổi kịp thời về công nghệ sản xuất, cập nhật xu hướng thị trường để đa dạng hóa sản phẩm, song trên thực tế hoạt động của HTX còn không ít khó khăn, vướng mắc.
Nổi cộm là vấn đề vốn. Sản phẩm có giá trị cao nhưng đầu tư đầu vào cũng lớn, vì vậy HTX phải vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Ninh, dù đã được hỗ trợ một khoản không nhỏ song hoạt động xoay vòng vốn vẫn còn gặp nhiều bất cập.
“Quỹ cũng hỗ trợ được rất nhiều, tuy nhiên trên thực tế cũng chưa linh hoạt, theo chính sách thì sau 2 năm đã phải "chồng gốc" trong khi nhiều những sản phẩm giá trị cao, cần đầu tư vốn ban đầu lớn của HTX thì có khi đến 3, 4 năm sau mới được hoàn thiện đến tay khách hàng và thu về giá trị, doanh thu không kịp bù vốn vay nên không thể quay vòng”, anh Hiệp chia sẻ.
Chính vì vậy, HTX Gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng cũng như nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đang có kiến nghị với các ban ngành có thể linh hoạt hơn trong vấn đề gia hạn vốn vay, tăng thời hạn trả gốc 12 tháng, 24 tháng lên khoảng 5 năm đối với loại sản phẩm của HTX để đơn vị có thể kịp xoay vòng vốn.
Cũng theo anh Hiệp, những HTX phi nông nghiệp như HTX Hiệp Thắng trên thực tế vẫn “chưa có một tấc đất cắm dùi”. Mặt bằng sản xuất chưa nhận được sự quan tâm và ưu đãi đúng mức từ chính quyền nên bản thân HTX phải tự cố gắng xoay xở, tự bỏ tiền thuê thêm nhà xưởng, thậm chí là tận dụng nhà riêng để làm trụ sở HTX kiêm kho hàng.
Điều này gây nảy sinh rất nhiều bất tiện trong quá trình hoạt động, vận chuyển sản phẩm của HTX vì trên thực tế, các cơ sở của HTX vẫn bị xé nhỏ, manh mún nhiều nơi, ở vị trí trong ngõ sâu.
Cùng với đó, vấn đề tìm kiếm thị trường cũng đang là “điểm nghẽn” đối với HTX Gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng. Sau dịch Covid-19, do kinh tế suy thoái, HTX gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng, có khi bị đọng hàng, lỗ đến hàng trăm triệu. Khách hàng giảm trong khi không thể mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm khách hàng mới đã khiến HTX nhiều thời điểm lao đao. Cho tới nay, HTX đã nỗ lực tự chủ động ngoại giao, tìm kiếm khách hàng theo nhiều cách nhưng do thiếu kinh nghiệm và nguồn lực nên vẫn không mang lại hiệu quả.
Vì vậy, Giám đốc Nguyễn Trần Hiệp bày tỏ mong muốn HTX sẽ có được sự hỗ trợ linh hoạt, kịp thời hơn nữa từ các cấp cơ quan chính quyền, Liên minh HTX địa phương để có thể tháo gỡ khó khăn.
Bích Tâm - Bùi Ly