Trong những năm qua, huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó có việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thành lập các HTX nông nghiệp.
Sự quan tâm từ chính quyền
Trong xu thế hiện nay, phát triển kinh tế tập thể (KTTT) đang trở thành nhu cầu cần thiết của hộ cá thể, là phương thức tổ chức sản xuất của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế.
Thời gian gần đây, Ban chỉ đạo (BCĐ) đổi mới và phát triển KTTT huyện Phú Giáo đã triển khai nhiều chương trình chính sách và giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia hoạt động KTTT, THT liên kết sản xuất, HTX… Sự quan tâm từ địa phương đã tạo thuận lợi để KTTT nơi đây phát triển mạnh mẽ. Các HTX, THT phát triển theo hướng an toàn, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quá trình sản xuất, trồng trọt để thúc đẩy KTTT của huyện ngày càng phát triển.
Thời gian qua trên địa bàn huyện Phú Giáo, các tổ liên kết và THT đã được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện để thực hiện các dự án hiệu quả, với mức thu bình quân của các hộ trong tổ chức liên kết, THT đạt doanh thu 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, BCĐ KTTT huyện đã phối hợp cùng Liên minh HTX tỉnh tiến hành kiểm tra hoạt động của một số HTX trên địa bàn, như HTX nông nghiệp Bông Trang (xã Phước Hòa), HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình).
Ngoài việc duy trì hoạt động của các THT, HTX hiện có, huyện cũng đã thành lập mới 3 HTX, gồm HTX Vận tải Phú Giáo (thị trấn Phước Vĩnh); HTX chăn nuôi - dịch vụ Phú Giáo (xã Vĩnh Hòa) và HTX chăn nuôi - dịch vụ Tân Tiến (xã An Thái). Đến nay, toàn huyện có 9 HTX, với 3.330 thành viên…
Trong 9 HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện Phú Giáo, có 2 HTX thuộc lĩnh vực trồng trọt; 2 HTX hoạt động chăn nuôi - dịch vụ; 1 HTX hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ - thương mại; 1 HTX hoạt động trên lĩnh vực vận tải; 1 HTX trên lĩnh vực TTCN; 1 HTX nông nghiệp và dịch vụ; 1 quỹ tín dụng nhân dân.
Theo báo cáo, hiện nay có 6/9 HTX đang hoạt động có doanh thu. Tổng doanh thu 6 HTX đang hoạt động đạt hơn 37 tỷ 310 triệu đồng; mức thu nhập bình quân của các thành viên HTX đạt 4 - 10 triệu đồng/tháng; nộp ngân sách nhà nước hơn 415 triệu đồng; tổng lợi nhuận hơn 5,250 tỷ đồng.
Thời gian qua, KTTT mà cụ thể là các mô hình HTX, THT, tổ liên kết sản xuất trên địa bàn đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của huyện lên rõ rệt. |
Sự “vươn mình” của KTTT
Ngoài các HTX trên, hiện trên địa bàn huyện còn có 29 tổ liên kết sản xuất với 272 tổ viên; 12 THT, với 97 tổ viên. Các tổ liên kết sản xuất và THT hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt.
Với việc được hỗ trợ về vốn, trong đó có nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân có thể khẳng định, mô hình tổ liên kết và THT đang phát huy được thế mạnh.
Ông Tô Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng BCĐ đổi mới và phát triển kinh tế huyện, cho biết: “Thời gian qua, KTTT mà cụ thể là các mô hình HTX, THT, tổ liên kết sản xuất trên địa bàn đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của huyện lên rõ rệt. Thông qua đó, góp phần xây dựng và hình thành nhiều mô hình kinh tế mới, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất; nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, đóng góp mạnh mẽ vào quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện”.
Với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 Liên minh HTX Việt Nam đã đề ra trên phạm vi cả nước là đặt mục tiêu thành lập mới 4.500 - 5.000 THT, 2.300 HTX và Liên hiệp HTX, trong đó có 1.500 HTX nông nghiệp; xây dựng 120 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả phấn đấu đạt 50%, rõ ràng khu vực KTTT ở Phú Giáo đã sớm “cán đích” hoàn thành được nhiệm vụ của mình, xứng đáng là mô hình tiên tiến điển hình cho các địa phương trên các địa bàn cả nước học tập làm theo.
Nguyễn Hiếu