Lãnh đạo huyện Hướng Hóa cho biết, hơn 15 năm trước, cây chuối mật mốc bắt đầu phát triển ở xã Tân Long. Ban đầu, bà con nông dân trồng để phục vụ nhu cầu ăn hàng ngày của gia đình, rồi dần dần chuối được nhiều người thích nên trở thành nông sản bán chạy nhất tại địa phương. Đến nay, sản phẩm chuối mật mốc Hướng Hóa đã khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước.
Lợi nhuận 40 triệu đồng/ha
Lý giải vì sao có tên chuối mật mốc, một cán bộ ngành nông nghiệp cho hay, khi vỏ quả chuối còn xanh có bụi phấn trắng bám đầy nhìn vào như nấm mốc, chuối chín có vị ngọt như mật nên gọi là mật mốc. Sản phẩm chuối mật mốc ở đây khi chín có màu vàng sẫm, vị rất ngọt, lại có mùi thơm đặc trưng. Chuối mật mốc từ khi thu hoạch khỏi cây còn để được rất lâu ngày nên nhiều người thích dùng dâng cúng tổ tiên ông bà.
![]() |
Tổng thu nhập từ bán chuối của người dân trong xã bình quân đạt 80 -100 tỷ đồng mỗi năm. |
Điều đáng quan tâm hiện nay là cây chuối Hướng Hóa được canh tác hữu cơ nên tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, vì vậy bán được giá cao hơn chuối ở các địa phương khác.
Theo ông Dương Đình Tùng, Chủ tịch UBND xã Tân Long, gần như tất cả các gia đình người Vân Kiều, Pa Kô, người Kinh ở xã Tân Long đều trồng chuối mật mốc. Nhà trồng ít cũng có 1ha trồng chuối, nhà nhiều trồng 20 - 30ha. Người dân trồng chuối hết đất trong xã, còn sang cả nước bạn Lào thuê gần 1.000ha đất vùng sát biên giới để trồng chuối. Tổng thu nhập từ bán chuối của người dân trong xã bình quân đạt 80 -100 tỷ đồng mỗi năm. Những nhà có 2ha chuối thì đạt 80 triệu đồng mỗi năm, nhà trồng nhiều 25ha trở lên thì thu nhập lên tới cả tỷ đồng.
Chuối thu hoạch về được các thương lái mua hết ngay, nên người trồng chuối ở Tân Long luôn có rất nhiều tiền! Nhiều hộ nhờ trồng chuối mà trở thành tỷ phú như chị Đỗ Thị Phụng, anh Võ Tài, Hồ Trang...
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa, địa bàn trồng chuối mật mốc nhiều ở huyện Hướng Hóa tập trung ở các xã: Tân Long, Thuận, Thanh, Tân Thành, Hướng Lộc, thị trấn Lao Bảo… với diện tích khoảng 3.200ha, tổng sản lượng chuối quả tươi trên 250.000 tấn/năm.
Ngoài thị trường nội địa, sản phẩm chuối Hướng Hóa còn xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan. Vào thời điểm được giá, chuối Hướng Hóa đã có lúc lên đến 11.000 - 12.000 đồng/kg, tuy nhiên cũng có lúc thị trường xuống thấp chỉ đạt 1.000 - 2.000 đồng/kg. Điển hình như thời điểm năm 2017 - 2018, thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc đòi hỏi sản phẩm phải có tem, nhãn mác và ngừng nhập khẩu sản phẩm chuối tươi Hướng Hóa khiến giá chuối rớt thê thảm. Giá chuối lên cao trở lại vào năm 2019, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá chuối mật mốc bán ra tại vườn giảm sâu. Hiện, giá chuối tươi ở Hướng Hóa đang ở mức 5.000 - 6.000 đồng/kg, với mức giá này thì người trồng chuối vẫn đang có lãi.
Triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc
Năm 2018, huyện Hướng Hóa đã làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối Hướng Hóa. Đến tháng 8/2018, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể số 299267 cho sản phẩm chuối Hướng Hóa. Các thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể này là Hội Nông dân các xã: Tân Thành, Tân Long, Thuận, Thanh, Hướng Lộc và thị trấn Lao Bảo.
![]() |
Từ sau khi đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể, thương hiệu chuối Hướng Hóa càng được khẳng định |
Từ cuối năm 2019 đến nay, huyện Hướng Hóa đã phối hợp Sở KH&CN tổ chức tập huấn các quy trình quản lý nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa cho người trồng chuối ở địa bàn các đơn vị thành viên nhãn hiệu tập thể, đồng thời phối hợp với Phòng khách hàng tổ chức doanh nghiệp của VNPT Quảng Trị, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả để cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chuối quả tươi Hướng Hóa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVID-19 nên việc dán tem truy xuất nguồn gốc của sản phẩm mới bắt đầu khởi động lại từ tháng 6/2020.
Hiện nay, huyện đang phối hợp các đơn vị thành viên và VNPT Quảng Trị triển khai tập huấn, hướng dẫn sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời phổ biến rộng rãi cho nông dân trong vùng được cấp nhãn mác về trách nhiệm bảo vệ thương hiệu bằng việc thực hiện đúng quy chế như đã ban hành và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cam kết sản xuất chuối theo phương pháp canh tác sạch nhằm tăng giá trị sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững cho cây chuối trên địa bàn.
“Trong xu thế hội nhập kinh tế ngày nay, những đòi hỏi về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao thì đây là cơ hội để chuối Hướng Hóa được chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ý thức được rằng, có thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Do vậy, huyện sẽ tiếp tục vận động nông dân cùng chung tay bảo vệ, phát triển nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa”, đại diện ngành nông nghiệp huyện nhấn mạnh.
Trước mắt, huyện tiếp tục bám sát Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa đã được xây dựng, ban hành để tiến hành cấp phát quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các thành viên. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức để các thành viên giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm chuối Hướng Hóa cũng như nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu và việc giữ gìn thương hiệu sản phẩm của địa phương, từ đó tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí để cùng nhau xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục tìm kiếm các nguồn hỗ trợ về chuyên môn, kinh phí đào tạo nghề để giúp cho việc quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa”, đại diện ngành nông nghiệp chia sẻ.
Chu Khôi