Đến nay, tỉnh đã hình thành các vùng trồng tập trung với các loại cây đặc sản nổi tiếng như khóm Tân Lập ở huyện Tân Phước, sầu riêng Ngũ Hiệp ở huyện Cai Lậy, xoài cát Hòa Lộc ở huyện Cái Bè, thanh long ở huyện Chợ Gạo, cam, bưởi, nhãn… mang lại giá trị cao, giúp nhiều hộ dân làm giàu.
Vùng chuyên canh giá trị cao
Khi đi vào sản xuất hàng hóa lớn theo tiêu chuẩn an toàn, "bà đỡ" lớn nhất của người nông dân trong việc kết nối sản xuất và tiêu thụ vẫn là các tổ hợp tác (THT) và HTX.
Điển hình, thành lập từ năm 2009, đến nay HTX thanh long Mỹ Tịnh An (Chợ Gạo) có 250 thành viên, liên kết nông dân sản xuất, tiêu thụ thanh long và một số cây hoa màu thế mạnh trên diện tích 300 ha.
Sản phẩm chủ lực của HTX là thanh long sản xuất theo quy trình GlobalGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Australia, Trung Quốc. Bình quân, HTX có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Sau đảm bảo lợi nhuận 3.000 đồng/kg cho nông dân, HTX vẫn đảm bảo lợi nhuận 1,8 - 3 tỷ đồng.
Với sự trợ lực của HTX từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đến tiêu thụ, doanh thu bình quân của các thành viên HTX đạt 300 đến 400 triệu mỗi năm, 100% thành viên HTX có kinh tế khá giả.
Xây dựng vùng chuyên canh, phát triển sản xuất lớn là chìa khóa giúp HTX nâng cao hiệu quả, làm giàu cho nông dân. |
Ông Võ Chí Thiện, Giám đốc HTX Mỹ Tịnh An, cho biết thời gian tới, HTX tiếp tục tìm kiếm thêm đối tác, phát triển thêm thành viên để có nguồn hàng ổn định. HTX cũng sẽ liên tục đầu tư, mở rộng thêm diện tích Global GAP để đủ hàng cung ứng cho thị trường xuất khẩu cao cấp
Bên cạnh nỗ lực tự thân, HTX mong muốn được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn thuận lợi hơn thay vì được vay tối đa 3 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ HTX tại địa phương. Bên cạnh đó là các cơ chế thuận lợi hơn về đào tạo nhân lực, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao, đất đai…
Tương tự, đứng trước xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng, HTX Hòa Lộc (Hòa Hưng, Cái Bè) đã từng bước khẳng định thương hiệu, hình thành vùng chuyên canh xoài cát Hòa Lộc nhờ thực hiện sản xuất đi đôi với ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Đến nay, 20 ha xoài của HTX được chứng nhận VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc nhằm đáp ứng yêu cầu pháp lý trong lưu thông, phân phối và quan hệ thương mại trong thời kỳ hội nhập kinh tế.
Việc được chứng nhận bảo hộ độc quyền là điểm tựa để sản phẩm của HTX được quảng bá rộng rãi, bảo vệ tính đặc trưng cũng như nâng cao giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế.
Song song với hoàn thiện sản xuất, HTX chú trọng đầu tư xây dựng quy trình khép kín bằng việc đầu tư cải tạo, mở rộng nhà xưởng đóng gói sản phẩm. HTX cũng đầu tư một số thiết bị chuyên dụng và thuê chuyên gia phụ trách về hỗ trợ thành viên, hộ liên kết.
Qua đó, chất lượng trái xoài của HTX từng bước nâng cao, tăng giá trị. Điều này giúp sản phẩm của HTX đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Giải bài toán "được mùa dội chợ"
Tiền Giang là vùng đất nằm trải dài bên bờ sông Tiền, được thiên nhiên ưu đãi phát triển nhiều loại cây ăn trái có giá trị. Những năm qua, diện tích cây ăn trái của tỉnh không ngừng tăng lên theo hướng chuyên canh "đất nào, cây ấy" tạo thành vùng cây trái trù phú xanh tươi cho thu hoạch quanh năm.
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có trên 80 nghìn ha vườn cây ăn trái cùng sản lượng đạt hơn 1,5 triệu tấn/năm. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng cây ăn trái nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, trong khâu sản xuất, các địa phương đang chủ động nắm bắt thông tin để phối hợp với các đơn vị, HTX, doanh nghiệp hỗ trợ kết nối, có phương án hỗ trợ cụ thể, điều phối lưu thông hàng hóa nông sản, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”.
Đặc biệt, trong thực hiện hỗ trợ kết nối tiêu thụ, Sở NN&PTNT đã xây dựng kênh thông tin để kết nối tiêu thụ như tạo các group mạng xã hội như zalo, facebook của HTX, doanh nghiệp để trao đổi, chia sẻ các thông tin và kết nối thị trường tiêu thụ.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch, khả năng cung ứng và nhu cầu hỗ trợ nguồn tiêu thụ.
Đáng chú ý, để giải quyết bài toán đầu ra cho trái cây, trước mắt, toàn tỉnh đã có 30 HTX và 13 doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ ổn định với hệ thống các siêu thị như: Saigon Co.op, Vinmart, Bách Hóa Xanh,... với sản lượng tiêu thụ tăng hơn 3 - 5 lần so với ngày thường.
Tỉnh cũng đang có 26 doanh nghiệp, HTX tham gia Cổng Thông tin kết nối cung cầu của Sở Công Thương TP.HCM. Sở Công Thương tỉnh cũng đã cung cấp thông tin của 15 HTX, doanh nghiệp tiêu thụ rau củ trên địa bàn cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để giới thiệu đăng ký bán sản phẩm qua sàn Sendo.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn GAP. Tiếp tục hướng dẫn nông dân sản xuất trái cây rải vụ, hạn chế thu hoạch sản phẩm đồng loạt với số lượng lớn. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi ngành hàng đẩy mạnh xúc tiến thương mại các mặt hàng trái cây nhằm tăng độ phủ thị trường nội địa...
Lệ Chi