HTX Nam Việt được thành lập từ tháng 5/2018, hiện đang liên kết với các hộ dân trong vùng trồng 30 ha chuối tây, chuối tiêu; diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 30 ha và 20 ha rau màu các loại...
Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường khoảng hơn 1 tấn rau củ các loại, 3 tạ thịt (ngan, gà, vịt, heo) và gần 3 tạ thủy hải sản. Những sản phẩm này được cung cấp chủ yếu cho các cửa hàng, bếp ăn tập thể và một phần bán lẻ.
Nhạy bén trong tiếp cận khách hàng
Thời gian qua, trong bối toàn dân tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sang các địa bàn khác cũng gặp một số khó khăn nhất định. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng, việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nhất là thủy sản gặp nhiều khó khăn, kéo theo giá bán thủy hải sản giảm từ 30-40%, thậm chí có mặt hàng giảm tới 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại các vùng nuôi trồng thủy sản của huyện Tiên Lãng, trong đó có vùng Chấn Hưng (có xã Tây Hưng) của HTX Nam Việt, việc thu hoạch tôm, các loại cá vẫn diễn ra nhưng việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Giá 1kg tôm thẻ chân trắng trung bình chỉ còn 110.000 đồng/kg, giảm 40.000-50.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái...
Để có đầu ra ổn định cho các sản phẩm của thành viên, hộ nông dân liên kết, ban lãnh đạo HTX đã nỗ lực tìm kiếm đơn hàng. Theo đí, HTX tiến hành mở rộng việc chào hàng, cung cấp thực phẩm cho 20 bếp ăn tập thể trong khu, cụm công nghiệp và một số trường học. Đồng thời, HTX đã tận dụng lợi thế của internet để bán hàng trên mạng, tăng tương tác với khách hàng mua lẻ qua Facebook, Zalo. Khách hàng sẽ mua hàng trực tuyến và nhân viên HTX sẽ giao tận nơi 24/7... HTX cũng được Liên minh HTX&DN TP Hải Phòng hỗ trợ cho mượn điểm (ki-ốt) bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên đường Điện Biên Phủ.
Với mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, cuối năm 2019, HTX đã đầu tư mua đất, xây dựng nhà xưởng với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. HTX cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy dấm hoa quả từ Ấn Độ. Hoa quả, chuối sau khi già sẽ được thu hoạch cho vào kho và sử dụng máy dấm (không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất độc hại). Mỗi lần hoạt động, máy có thể dấm được 20 tấn hoa quả.
Chuối sau khi đưa vào máy dấm chín sẽ đưa ra lựa chọn những quả đảm bảo kích thước tiêu chuẩn để giao cho khách hàng (Ảnh: T. Vân). |
Sản phẩm quả chuối của HTX Nam Việt được công nhận là sản phẩm OCOP vào cuối năm 2019. Bên cạnh việc cung cấp cho thị trường Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận, chuối của HTX còn xuất khẩu sang Trung Quốc. Hoạt động hiệu quả, HTX Nam Việt được Nhà nước đầu tư cho hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch...
Không chỉ quan tâm mở rộng sản xuất, kinh doanh, HTX còn chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Trước đây, sau khi hoa màu, chuối được thu hoạch, sản phẩm thải như lá cây, thân chuối... sẽ được bà con chặt vứt khắp các kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước. Nay, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, HTX đang triển khai dự án ủ các sản phẩm thải trong trồng trọt để tạo mùn hữu cơ, mang bón trực tiếp cho những vụ canh tác sau, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học.
Biến sản phẩm thải thành mùn ủ hữu cơ
Trung bình 1ha trồng chuối sẽ cho năng suất khoảng 40 tấn quả và khoảng 50 tấn phụ phẩm gồm thân và lá... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các loại dịch bệnh và đầu ra còn nhiều bấp bênh nên hiện nay, việc chăn nuôi của bà con nông dân trong vùng đang dần thu hẹp, nhu cầu tận dụng thân chuối trong chăn nuôi rất thấp.
Một trong những công đoạn ủ thân, lá chuối thành mùn hữu cơ. |
Anh Phạm Văn Quyên - Giám đốc HTX Nông Lâm Thủy Hải Sản Nam Việt cho biết: Nếu không có công nghệ xử lý phụ phẩm từ cây chuối sẽ dẫn tới ô nhiễm môi trường và giảm tuổi thọ của cây chuối. Nếu lượng phụ phẩm này được chế biến phối hợp với chất thải từ chăn nuôi gà, lợn; các chất phụ gia cần thiết để tạo ra mùn hữu cơ chuyên dùng cho cây trồng thì rất tốt cho cây, đồng thời bảo vệ môi trường. Do đó, HTX đã học hỏi, tìm tòi ứng dụng chế phẩm vi sinh Compost maker sản xuất mùn hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp.
Vòng đời của cây chuối thường kéo dài gần một năm. HTX đã và đang tiến hành thu gom, ủ mùn đối với 15ha chuối vào nhiều đợt khác nhau. Trung bình một lần thường ủ khoảng 150 tấn sản phẩm thải, kéo dài khoảng 6 tháng sẽ cho thành phẩm. Sản phẩm của dự án là mùn hữu cơ sinh học, mùn hữu cơ chuyên bón lót cho cây chuối và các loại cây trồng khác.
Mô hình biến thân, lá chuối thành mùn hữu cơ của HTX đang được bà con nông dân trong xã học hỏi làm theo. |
Khi được trộn vào đất trồng, chất hữu cơ trong mùn ủ sẽ có tác dụng cải thiện đất sét nặng bằng cách liên kết các hạt đất thành dạng như cám làm cải thiện sự thoáng khí, tăng khả năng hút nước, giảm độ đóng cứng lớp đất mặt giúp cho rễ cây phát triển mạnh. Trong đất cát, chất hữu cơ được đưa vào giúp giữ nước và chất dinh dưỡng. Mùn ủ làm tăng các hoạt động của vi sinh vật giúp chúng gia tăng khả năng phóng thích các chất dinh dưỡng và chất kích thích sinh trưởng khác vào đất...
Sản phẩm mùn ủ được HTX bước đầu được sử dụng trong các vùng trồng trọt của HTX, đồng thời cung cấp cho các vùng trồng cây cảnh, trồng trọt tại các địa phương lân cận.
"HTX mong muốn tiếp tục được chính quyền địa phương, Liên minh HTX&DN TP Hải Phòng và các sở ngành quan tâm hỗ trợ để được tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi cho phát triển sản xuất, được tiếp cận với những ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, đặc biệt tạo điều kiện cho HTX trong việc quy vùng sản xuất nông nghiệp tập trung...", Giám đốc Phạm Văn Quyên nói.
Ông Phạm Văn Rần - Chủ tịch UBND xã Tây Hưng đánh giá: "HTX Nông Lâm Thủy Hải Sản Nam Việt có nhiều đóng góp tích cực trong việc tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng cho bà con nhân dân trong xã và góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương. Từ ngày có mô hình này, tình trạng rác trồng trọt vứt bỏ ra kênh mương đã giảm đáng kể. UBND xã mong muốn mô hình biến phế thải trong trồng trọt thành mùn ủ hữu cơ của HTX sẽ được duy trì, phát triển rộng ra toàn dân trong xã".
Thanh Vân