Tiểu Cần là huyện NTM đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. |
Sau khi trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Trà Vinh, huyện Tiểu Cần hiện đang trên đà tăng tốc để được công nhận đô thị loại IV trong năm 2020.
Trên đà tăng tốc
Những thành công trong xây dựng NTM đang giúp bộ mặt kinh tế, xã hội, nông nghiệp nông thôn huyện Tiểu Cần thay đổi từng ngày, đời sống người dân liên tục được nâng lên.
Thành công lớn nhất của phong trào xây dựng NTM ở huyện Tiểu Cần là nâng cao thu nhập bình quân của người dân lên 42 triệu đồng/người/năm; 99,78% hộ dân có điện lưới quốc gia sử dụng; trên 92% lao động nông thôn có việc làm thường xuyên và tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 2,46%...
Theo UBND huyện Tiểu Cần, trong quá trình triển khai xây dựng 19 tiêu chí NTM, huyện đã huy động trên 2.351 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 531 tỷ, tỉnh hỗ trợ 654 tỷ, vốn của doanh nghiệp 256 tỷ và đặc biệt là nhân dân địa phương đã đóng góp trên 202 tỷ đồng thông qua việc hiến đất, hiến cây cối, hoa màu và ngày công lao động để xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn.
Tính đến thời điểm được công nhận là huyện NTM (năm 2018), huyện Tiểu Cần có 21 tuyến đường trục xã, liên xã với tổng chiều dài 78,2km nhựa hóa 100%; 46 tuyến đường trục ấp, liên ấp dài gần 124 km; 262 đường làng ngõ xóm dài hơn 245 km và 34 đường trục chính nội đồng đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa...
Bên cạnh đó, số trường học đạt chuẩn quốc gia không ngừng tăng lên. Hiện toàn huyện có 34 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 12 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, huyện Tiểu Cần phấn đấu hoàn thành việc nâng chất 9/9 xã đạt chuẩn NTM theo tiêu chí xã NTM nâng cao, huyện phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa theo Quyết định số 676 của Thủ tướng Chính phủ.
Thành công NTM ở Tiểu Cần đến từ kết quả chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. |
Điểm tựa từ liên kết sản xuất
Hiệu quả trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại là nhân tố bước ngoặt tạo nên thành công trong xây dựng NTM tại Tiểu Cần. Những năm qua, các mô hình sản xuất nông nghiệp trong được triển khai đa dạng gắn với phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, HTX.
Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hình thức đầu tư sản xuất nông nghiệp hiện đại mang lại hiệu quả kinh tế đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Tiểu Cần.
Đến nay, toàn huyện Tiểu Cần có 10 HTX, trong đó 9 HTX nông nghiệp, 1 quỹ tín dụng nhân dân với 1.613 thành viên, vốn điều lệ 16,35 tỷ đồng.
Huyện duy trì 8 mô hình cánh đồng lớn diện tích 1.886ha với 1.911 hộ tham gia. Các mô hình này đã góp phần đổi mới nội dung, hình thức canh tác, sản xuất theo hướng liên kết.
Huyện cũng có 85 THT hoạt động hiệu quả cao, điển hình như THT trồng lúa chất lượng cao, trồng màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi bò sinh sản…
Nhiều năm liền, HTX Rạch Lọp (Tiểu Cần, Trà Vinh) luôn nằm trong nhóm những HTX dẫn đầu trong phong trào phát triển kinh tế hợp tác của tỉnh, bởi phương thức sản xuất giàu khoa học – kỹ thuật, từ đó trở thành điểm tựa cho thành viên phát triển sản xuất, đóng góp xây dựng NTM.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rạch Lọp, ông Huỳnh Đăng Khoa, cho biết: “Kể từ khi thành lập đến khi có được thành công hiện tại là cả một quá trình dài, vô cùng gian nan. Nhưng trong suốt quá trình đó, HTX luôn xác định lợi ích thành viên là nền tảng cốt lõi trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ trồng lúa đến sản xuất rau màu, nuôi trồng thủy sản”.
Theo UBND huyện Tiểu Cần, để hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại IV trong năm 2020 và hướng tới trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trong tương lai gần, huyện sẽ tiếp tục thúc đẩy kinh tế hợp tác, hướng nông dân đến sản xuất hiện đại, nâng cao thu nhập.
Hưng Nguyên