Theo thống kê, toàn huyện Bắc Sơn đang có 5 HTX thủy sản hoạt động theo chuỗi giá trị. Nhận thấy những hạn chế khi hoạt động riêng lẻ, tháng 8/2021, Ban Quản trị HTX Thủy sản Lê Hồng Phong đã thực hiện hợp đồng liên kết với các HTX thuỷ sản trên địa bàn huyện để cùng phát triển.
Liên kết là sức mạnh
Bắc Sơn là một huyện nằm ở phía Tây tỉnh Lạng Sơn, địa hình thung lũng phổ biến bao quanh là núi đá vôi với diện tích mặt nước sông lớn, sạch tự nhiên, qua đó tạo nên một thế mạnh tuyệt vời cho phát triển nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều vùng sản xuất khác trên cả nước, việc tổ chức sản xuất của các HTX thủy sản trên địa bàn huyện đa phần theo hình thức truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa nhiều, chưa xây dựng được thương hiệu.
Việc không thể hình thành tên tuổi, xây dựng thương hiệu mạnh khiến các sản phẩm thủy sản của huyện làm ra khó cạnh tranh, giá trị thấp. Trong khi đó, nhu cầu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng.
Trước những yêu cầu của thực tế, các HTX thủy sản trên địa bàn huyện đã chủ động liên kết, hình thành chuỗi giá trị để sản xuất cá nước ngọt có giá trị cao, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, tạo dựng thương hiệu, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Các HTX trên địa bàn huyện Bắc Sơn đang chủ động bắt tay để cùng phát triển (Ảnh: BLS). |
Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX Thủy sản Lê Hồng Phong cho biết để liên kết, ban quản trị các HTX thuỷ sản đã họp bàn, thống nhất với nhau về cách thức hoạt động. Tổ chức phân công công việc cụ thể cho các HTX phụ trách các nội dung hợp đồng đầu vào, đầu ra, tiếp cận thị trường; xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác. Đôn đốc các thành viên HTX chăn nuôi theo quy trình VietGAP.
Theo đó, các HTX đã cải tạo ao nuôi, đảm bảo nguồn nước sạch, chú trọng nguồn thức ăn bằng cách trồng, chăm sóc vườn cỏ voi, cỏ ngọt. Cùng đó, HTX Thuỷ sản Lê Hồng Phong đã liên kết với Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Thái Lan (tỉnh Hải Dương) để cung ứng thức ăn chăn nuôi cho các HTX.
Đáng chú ý, trong quá trình chăm sóc, các HTX đều có nhật ký ghi chép hằng ngày để theo dõi. Hiện nay, các HTX thuỷ sản Lê Hồng Phong, thuỷ sản Hương Cốc, Nuôi trồng thuỷ sản Lân Vục đã thả xong cá giống và bắt đầu chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật.
Mỗi tháng, các HTX đều tổ chức kiểm tra, trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các thành viên. Do đó, đến nay, các loại cá sinh trưởng và phát triển tốt.
Nâng cả chất và lượng
Ông Dương Công Quy, Giám đốc HTX Thuỷ sản Hương Cốc cho biết những năm trước, HTX hoạt động đơn lẻ, sản phẩm chủ yếu bán ở các buổi chợ phiên nên có những năm không xuất được hết cá vì thị trường eo hẹp.
Cuối năm 2021, thực hiện liên kết giữa các HTX thuỷ sản trên địa bàn, HTX không chỉ duy trì sức tăng trưởng nhanh, mạnh hơn trong sản xuất mà còn hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Qua đó, giúp thị trường đầu ra của sản phẩm ổn định hơn.
Đến nay, HTX Hương Cốc đã thả được 2 vạn con cá các loại với diện tích mặt nước 7,5 ha, cá được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, sinh trưởng, phát triển tốt và tất cả đều được bao tiêu đảm bảo về đầu ra khi đến chu kỳ xuất bán.
Với HTX Lê Hồng Phong, sau hơn 12 năm phát triển, từ một HTX có quy mô nhỏ, thu không đủ bù chi, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2017, HTX Lê Hồng Phong là một trong 10 HTX được UBND tỉnh Lạng Sơn chọn làm thí điểm đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc. Được sự hỗ trợ, HTX đã bổ sung thành viên là cử nhân chuyên ngành chăn nuôi, thú y, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
Giám đốc HTX Dương Hữu Chức cho hay: “Thời gian tới, để đảm bảo phát triển bền vững, HTX sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tập huấn cho thành viên về khoa học - kỹ thuật, sản xuất an toàn, an toàn lao động. Hoàn thiện hệ thống sản xuất sạch, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái”.
Về sản xuất, HTX tiếp tục tập trung đầu tư mở rộng quy mô, đầu tư cải tạo đập Vũ Lăng để phát triển nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa và đưa thêm giống cá Lăng Chấm có giá trị kinh tế cao vào nhân rộng.
Bên cạnh đó, HTX Lê Hồng Phong cũng đang trong quá trình thử nghiệm và hoàn thiện dịch vụ câu cá, du lịch sinh thái tại đập Vũ Lăng. Nếu thành công, du lịch sinh thái sẽ là một trong những dịch vụ chủ lực, vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Được biết, theo dự án liên kết sản xuất, các HTX trong chuỗi có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nên đầu vào và thị trường đầu ra luôn ổn định từ nguồn con giống, thức ăn chăn nuôi, phát triển sản phẩm đa dạng từ cá tươi đến sơ chế đóng gói.
Theo dự tính, với tổng diện tích ao nuôi cá 11,1 ha và 57 lồng bè theo chu kỳ chăn nuôi kéo dài 12 tháng, sản lượng thu khoảng 68 tấn, giá trị đạt trên 4 tỷ đồng/năm. Đây sẽ là hướng đi mới giúp các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao vai trò của HTX liên kết, góp phần phát triển lĩnh vực thuỷ sản trên địa bàn.
Kim Dung