Long An đang thúc đẩy phát triển các HTX ứng công nghệ cao |
Nhiều "điểm sáng"
Kể từ năm 2018 đến nay, việc thúc đẩy phát triển các HTX công nghệ cao được tỉnh Long An chú trọng, qua đó xuất hiện hàng loạt tên tuổi HTX điểm như HTX Hưng Phú (huyện Vĩnh Hưng), HTX Thạnh Hưng (thị xã Kiến Tường), HTX Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc), HTX thanh long Dương Xuân (huyện Châu Thành), HTX chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông (huyện Đức Hòa)…
HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hưng (thị xã Kiến Tường) hiện có 28 thành viên với vốn điều lệ hơn 2 tỷ đồng, sản xuất trên 350ha. Không chỉ là điểm tựa trong sản xuất hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, HTX đang là đầu tàu dẫn dắt thành viên phát triển sản xuất sạch, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tương tự, HTX Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) cũng đang gặt hái nhiều thành công nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau hữu cơ. HTX hiện có 25 thành viên, sản xuất khoảng 8 ha rau các loại.
Anh Lê Phước Tồn – thành viên HTX Mười Hai, chia sẻ khi tham gia HTX, các thành viên được hỗ trợ công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức về sản xuất hữu cơ để vừa nâng cao hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường sinh thái.
“Trong sản xuất, chúng tôi loại bỏ hoàn toàn các loại thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại. Các loại rau tuân thủ nguyên tắc “5 không”, “4 đúng” theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình sản xuất hiện đại giúp năng suất, chất lượng rau tăng 30 – 35%, môi trường đất, nước được bảo vệ”, anh Tồn phấn khởi nói.
Cũng có thể kể đến HTX rau, củ, quả Khánh Hậu (Tp.Tân An) được thành lập vào năm 2017, hiện có 21 thành viên, sản xuất các loại rau ứng dụng công nghệ cao trên diện tích hơn 15 ha.
“Khi bắt đầu ứng dụng công nghệ cao, chúng tôi chuyển sang dùng phân bón hữu cơ thay cho phân hóa học, qua đó giúp hiệu quả tăng 30 - 40%, sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá bán cao hơn”, anh Lê Văn Nhi – thành viên HTX cho hay.
Còn nhiều khó khăn nhưng các HTX ứng dụng công nghệ cao vẫn cho thấy tiềm năng lớn |
Những “bài toán” cần giải
Dù đang đạt được những kết quả tích cực, quá trình thúc đẩy, nâng tầm HTX nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Long An vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, từ trình độ nhân lực đến bài toán tiêu thụ sản phẩm…
Tham gia HTX Rừng Dầu (huyện Đức Hòa), ông Nguyễn Văn Tại chuyển đổi 0,2 ha đất nông nghiệp sang trồng khổ qua (mướp đắng), tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Sản lượng bình quân mỗi vụ hơn 4 tấn, nhưng hiện gia đình ông mới chỉ được bao tiêu hơn 1 tấn, còn lại phải tự tìm thị trường tiêu thụ.
Khó khăn ở HTX Rừng Dầu cũng đang là thực trạng chung của nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An. Theo ghi nhận, toàn tỉnh cũng chỉ có khoảng hơn 1% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất có hiệu quả.
Liên minh HTX tỉnh Long An cho biết hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh của các HTX cho thấy chủ trương của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Để HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được nhân rộng, phát triển, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ HTX về vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ nhân lực, khơi thông thị trường…
Nhật Minh