Tân Sơn là huyện miền núi, kinh tế - xã hội phát triển không đồng đều, trên địa bàn còn nhiều xã, thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn nên khi bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện gặp rất nhiều khó khăn.
HTX phát huy vai trò trụ đỡ cho kinh tế hộ
Ông Nguyễn Nam Cường, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Phú Thọ cho biết, khi mới triển khai chương trình xây dựng NTM, hầu hết các xã của huyện Tân Sơn đều gặp khó khăn, các tiêu chí đạt thấp. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là các xã miền núi, phát huy vai trò chủ thể của người dân, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, nhiều tấm gương điển hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.
Nhiều HTX ở Tân Sơn đang phát triển mạnh các sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng NTM bền vững. |
Điển hình như HTX chè Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn liên kết với 20 hộ trồng chè an toàn với diện tích 37,4ha.
Bà Phạm Thị Hạnh, Giám đốc HTX cho biết: “Việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX với các hộ dân sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định, sản phẩm bán ra thị trường có xuất xứ rõ ràng thông qua truy xuất nguồn gốc.
Công suất chế biến đạt 50 tấn chè búp tươi/năm trở lên, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Hiện, trung bình 1ha sản xuất theo quy trình an toàn cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với sản xuất chè truyền thống”.
Từ năm 2020 đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao là chè Xanh Bát Tiên, chè Đinh đặc sản, chè Đinh Bát Tiên. Sản phẩm của HTX được khách hàng tại nhiều địa phương trong cả nước biết đến, đặt mua.
Từ nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình MTQG xây dựng NTM để hỗ trợ phát triển sản xuất, HTX đã được hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án phát triển sản xuất sản phẩm chè liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần đa dạng hóa sản phẩm chè đặc sản, chè chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
“Qua hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX nhận thấy việc thực thực hiện hiệu quả, bền vững tiêu chí về tổ chức sản xuất trong Chương trình xây dựng NTM là rất quan trọng trong hoạt động của HTX. HTX đã nhận thức rõ công tác tuyên truyền, vận động là hoạt động thúc đẩy cho việc tổ chức sản xuất được lâu dài, bền vững. Để tiếp tục hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập hơn nữa cho các thành viên và đảm bảo thực hiện hiệu quả tiêu chí tổ chức sản xuất, trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm để đăng ký ít nhất 01 sản phẩm chè của HTX tham gia dự thi nâng hạng lên sản phẩm OCOP 5 sao”, bà Hạnh nói.
Gỡ từng “nút thắt” trong xây dựng NTM
Ông Nguyễn Xuân Toản, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, mục tiêu trong thời gian tới, huyện giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn NTM của xã Minh Đài, xã Văn Luông, Long Cốc mỗi xã đạt thêm 1 tiêu chí NTM. Các xã còn lại đạt thêm ít nhất 1 chỉ tiêu hoặc tiêu chí NTM, trong đó có 6 xã đạt thêm 1 tiêu chí (Xuân Đài, Thạch Kiệt, Xuân Sơn, Đồng Sơn, Tam Thanh, Thu Cúc), số khu dân cư đạt chuẩn NTM ước đạt 24 khu, tăng thêm 5 khu.
Phong trào xây dựng NTM ở huyện Tân Sơn không có điểm cuối, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng. |
“Có thể khẳng định, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là góp phần xây dựng NTM, việc phát triển các sản phẩm OCOP, đang tạo đà để các xã của huyện Tân Sơn sớm có sản phẩm OCOP nâng cao thu nhập người dân, nhất là các xã vùng cao đang trên lộ trình xây dựng NTM. Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng cũng cần mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên doanh, liên kết trong việc bao tiêu sản phẩm... để hiệu quả kinh tế mang lại ngày càng thiết thực”, ông Toản phân tích.
Tính đến nay, toàn huyện có 41 HTX đang hoạt động ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, vệ sinh môi trường, thu hút gần 2.100 thành viên tham gia với tổng nguồn vốn hoạt động hơn 83 tỷ đồng. Ước tính, tổng doanh thu của các HTX, tổ hợp tác đạt khoảng 35 tỷ đồng, lợi nhuận gần 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 5 - 6,5 triệu đồng/tháng.
Ông Phan Minh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, quy mô lớn nhằm thu hút doanh nghiệp, HTX liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển và thực hiện những tiêu chí khó.
Theo ông Nguyễn Nam Cường, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Phú Thọ, mặc còn nhiều khó khăn nhưng phong trào xây dựng NTM ở huyện Tân Sơn vẫn diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng. Quá trình xây dựng NTM đã đạt được nhiều thành tựu ở các mặt: Xây dựng kết cấu hạ tầng, giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất, chuyển dịch kinh tế nông thôn… góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở vững chắc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…
“Nhờ có sự đóng góp tích cực của các HTX qua việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chuyển đổi mô hình, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM”, ông Cường nói.
Đoàn Huyền