Qua gần 2 năm hoạt động, HTX nông nghiệp Thủy Dương, phường Thủy Dương đang phát huy thế mạnh, truyền thống thâm canh mướp đắng của địa phương để phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm trà mướp đắng, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Điểm tựa từ nông nghiệp
Với nguồn nguyên liệu gần 100 tấn mướp đắng/vụ, HTX Thủy Dương đã đầu tư máy móc công nghệ cao, nhà xưởng hiện đại để sản xuất trà mướp đắng trồng theo chuẩn VietGAP. Năm 2017, HTX bắt tay chế biến trà mướp đắng từ nguồn nguyên liệu quả tươi thu mua tại vườn được trồng theo hướng VietGAP.
Sản xuất nông nghiệp thị xã Hương Thủy đang được gia tăng hàm lượng khoa học - kỹ thuật. |
Bên cạnh trà mướp đắng, HTX đã hợp đồng mở mã với siêu thị Big C Huế, để tiêu thụ sản phẩm mướp đắng tươi cho các hộ sản xuất. Nhờ làm tốt công tác kết nối thị trường, HTX hỗ trợ người dân tiêu thụ mướp đắng dịp chính vụ đạt khoảng 1 tấn/ngày, giá cao hơn 20-30% so với giá thị thị trường.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, HTX tiến hành hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho người dân. Năm 2017, mô hình trồng mướp đắng theo hướng VietGAP được áp dụng, cấp chứng chỉ thí điểm cho 1,3ha.
Để hạn chế côn trùng châm chích, HTX nông nghiệp Thủy Dương đã nghiên cứu đặt mua túi bọc quả mà không cần phun thuốc diệt trừ côn trùng trực tiếp vào quả như trước đây, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương (một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới), nâng cao sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.
Cũng có thể kể đến HTX nông nghiệp Phù Bài, xã Thủy Phù, đang có được nhiều thành công với mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghệ cao, quy mô trang trại hàng nghìn con mỗi lứa.
Để gia tăng giá trị sản xuất, trang tại của HTX được trang bị đầy đủ các loại máy móc, phương tiện hiện đại để phục chăn nuôi, như hệ thống đèn chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ, thông gió, máy xịt vệ sinh, hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn…
Ngoài ra, HTX còn đẩy mạnh liên kết trong việc cung ứng giống, phân bón, xây dựng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa giống chất lượng với diện tích hơn 50ha, qua đó góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho thành viên.
Bừng sáng nông thôn mới
Theo thống kê, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất tại thị xã Hương Thủy hiện đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, sự tham gia của các HTX giúp hoạt động sản xuất được nâng tầm về quy mô, mang lại những giá trị ưu việt về môi trường.
Hiệu quả của các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cùng những đóng góp quan trọng của các HTX chính là một trong những nhân tố giúp quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã Hương Thủy đạt được những thành công ấn tượng.
Hương Thủy đang là đầu tàu trong xây dựng nông thôn mới tại Thừa Thiên - Huế. |
Qua 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay thị xã Hương Thủy đã có 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, với nhiều kết quả nổi bật.
Toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn thị xã được hoàn thiện. Xây dựng 40 tuyến đường trục xã với chiều dài hơn 32 km, 80 tuyến đường trục thôn với chiều dài gần 50 km, 360 đường trục ngõ, xóm…
Hệ thống thủy lợi đã được thị xã đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp 22 tuyến kênh, mương, 4 trạm bơm. Có 21/24 trường của huyện được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng thêm 113 phòng học mới, đáp ứng nhu cầu dạy và học của các trường.
Đáng chú ý, trong thời gian xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của thị xã tăng từ 11,6 triệu đồng/người/năm trong năm 2011, lên mức 36 triệu đồng/người/năm trong năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 9,39% (năm 2011) giảm còn 3,38% (năm 2019)…
Hương Thủy hiện đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và đang tích cực nâng cao các tiêu chí để tiến tới nông thôn mới nâng cao. Mục tiêu đến năm 2025, huyện nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên 60 triệu đồng/người/năm.
Để hoàn thành mục tiêu, huyện dự kiến tiếp tục nâng cao vai trò của HTX, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân.
Hưng Nguyên