Tại huyện Yên Lập, nơi mà điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, trong vài năm trở lại đây, các mô hình sản xuất chăn nuôi gia súc, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y,.. đã hình thành, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Xóa đói giảm nghèo từ mô hình chăn nuôi
Một trong những HTX tiêu biểu được nhiều người nhắc tới trên địa bàn là HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Yên Lập, Khu 8, xã Xuân Thủy, hoạt động chủ yếu là chăn nuôi và kinh doanh gia súc gia cầm.
Nhiều hộ dân tham gia HTX đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu và đã cải thiện được cuộc sống. |
HTX thực hiện tổ chức chăn nuôi gà theo mô hình chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn VietGap và có chất lượng cao. Cung cấp con giống có chất lượng tốt phục vụ phát triển sản xuất, cung cấp các giải pháp chăn nuôi phù hợp để người chăn nuôi có lãi; Cung cấp thực phẩm sạch và an toàn cho người tiêu dùng. Với 2 sứ mệnh trên, HTX phấn đấu trở thành HTX hàng đầu về chăn nuôi các giống gà đặc sản tại Việt Nam.
Với sản phẩm chủ lực của HTX tham gia sản xuất kinh doanh là gà, việc chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật và định hướng phát triển thực phẩm sạch, đã mang lại an toàn cho người tiêu dùng. Đây là một sản phẩm có tiềm năng phát triển kinh tế cho địa bàn xã nói riêng và toàn huyện Yên Lập nói chung, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX.
Đến nay, HTX đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục thành viên, nông dân nâng cao nhận thức, kết hợp kiểm tra vệ sinh chuồng trại. Tuyên truyền, hướng dẫn hội viên giữ vệ sinh chuồng nuôi, khu vực xung quanh, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ tại khu vực nuôi nhằm đạt hiệu quả cao nhất và đưa ra được sản phẩm gà đồi an toàn tới tay người tiêu dùng.
Anh Trần Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết: HTX tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho thành viên và người lao động với mức thu nhập bình quân 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Những dịch vụ HTX cung cấp cho thành viên và thị trường đều ổn định, được khách hàng đánh giá cao.
“Để có được những kết quả đó, các thành viên không ngừng tìm tòi học học kinh nghiệm từ nhiều mô hình của các tỉnh bạn, dần chuyển giao, chia sẻ cho các thành viên của HTX. Nhờ đó, sản phẩm của thành viên HTX được người tiêu dùng ưa chuộng và được tiêu thụ với số lượng ngày càng nhiều. Đáng nói, nhiều hộ dân tham gia HTX đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu và đã cải thiện được cuộc sống của mình”, anh Trần Xuân Trường cho hay.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo
Huyện Yên Lập có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Những năm qua, huyện đã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để triển khai, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.
Đã có nhiều mô hình HTX, hộ gia đình tiêu biểu nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. |
Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ, huyện Yên Lập có hơn 60 HTX hoạt động trên các lĩnh vực với doanh thu bình quân đạt 926,6 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt gần 100 triệu đồng, thu nhập bình quân người lao động thường xuyên trong HTX 51,6 triệu đồng/người/năm. Nhìn chung, bước đầu các HTX hoạt động hiệu quả, phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con nông dân.
Đồng thời, việc mở rộng quy mô của các HTX sẽ kéo theo nhu cầu về lao động việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn, nhằm thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Ông Hà Việt Hùng, Chủ tịch UBND huyện Yên Lập chia sẻ, những chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của Yên Lập trong thời gian qua là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó có sự đóng góp của các HTX, tổ hợp tác.
Để tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, huyện Yên Lập đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sản xuất theo thời vụ, xây dựng mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng. Khơi dậy ý chí tự lực, tự thân vận động, có ý thức vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
“Thời gian tới, huyện Yên Lập tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KTTT. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của đoàn thể địa phương đối với sự phát triển của KTTT, HTX, nâng cao năng lực thích ứng với dịch bệnh và biến đổi khí hậu, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX ngày càng phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với KTTT, tạo điều kiện cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” ông Hà Việt Hùng cho hay.
Đoàn Huyền