Đặc biệt, việc hợp tác thành công “ba nhà” (nông dân - HTX - doanh nghiệp) trong vùng chuyên canh 223 ha của 120 thành viên HTX Phú Mỹ Châu, đã trở thành địa chỉ sản xuất và cung cấp lúa giống lớn nhất huyện Châu Thành.
Liên kết cùng có lợi
Cuộc sống từng vất vả, khó khăn nhưng sau khi chuyển từ lúa thương phẩm sang sản xuất lúa giống, gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, thành viên HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu, đã có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, cao hơn hẳn so với trước đây.
Chuỗi liên kết sản xuất lúa giống giữa doanh nghiệp và HTX đang mang lại hiệu quả. |
“Hồi chưa vào HTX, chúng tôi mạnh ai nấy làm, không có tổ chức, lúa gạo làm ra hay bị tư thương ép giá. Từ ngày tham gia HTX, mọi người làm ăn tập thể, kết quả cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, sản xuất lúa giống được HTX hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn ngoài thị trường 1.000 đồng/kg, tôi rất an tâm ”, ông Khánh phấn khởi cho biết.
Vụ lúa vừa qua, HTX Phú Mỹ Châu đã nhập kho và xuất bán 700-800 tấn lúa giống cho thị trường tại thành phố và các tỉnh lân cận. So với trồng lúa hàng hóa, lợi nhuận của các thành viên cao hơn bên ngoài 15-20%.
Đến nay, HTX đã và đang ký hợp đồng với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), cùng nhiều doanh nghiệp khác tổ chức triển khai hướng dẫn quy trình sản xuất, thu mua lúa giống và lúa thương phẩm cho 100% thành viên nên việc tiêu thụ rất ổn định.
Khởi đầu từ việc nông dân quanh vùng phụ cận có nhu cầu sử dụng lúa giống thuần chất lượng cao ngày càng tăng, năm 2014, xuất phát từ một nhóm hộ nông dân giỏi, có tâm huyết, HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu được thành lập do ông Trần Văn Công làm Giám đốc.
Ông Trần Văn Công cho biết, cùng với quyền lợi thì trách nhiệm của từng “nhà” được phân công rõ ràng và cụ thể. Theo đó, nông dân phải tuân thủ kỹ thuật đã được hướng dẫn trong quá trình gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Doanh nghiệp cung ứng giống, hỗ trợ phân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra. HTX đảm nhận khâu chỉ đạo sản xuất, tổ chức đứng ra thu mua cho dân...
Theo nhiều thành viên HTX, điều quan trọng là khi tham gia trồng lúa giống, người dân được tiếp cận, ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới nhất vào sản xuất.
Đó là, cơ giới hóa ở công đoạn làm đất, thu hoạch, sạ hàng trên giống lúa OM5451, OM4900, siêu Hàm Trâu,… cấp nguyên chủng. Từ đó, giúp họ có sự thay đổi thói quen và phương pháp gieo trồng cũ, ít hiệu quả đã tồn tại từ nhiều thập kỷ qua.
Trong sản xuất, HTX áp dụng cấy lúa theo quy trình IPM, thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và công nghệ sinh thái trên đồng ruộng nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và nâng cao chất lượng lúa giống nên được các đơn vị liên kết tin tưởng.
Gia tăng chuỗi giá trị
Đến nay, HTX đã có điều kiện đầu tư hơn 2 tỷ đồng vào xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị sơ chế (gồm 2 lò sấy, 2 máy sàng, hệ thống dây chuyền băng tải) lưu trữ bảo quản lúa giống theo tiêu chuẩn. Trước khi thu hoạch, HTX tiến hành khảo nghiệm, kiểm tra chất lượng, diện tích nào đạt sẽ được thu mua, sơ chế thành lúa giống rồi đưa ra thị trường, còn lại làm lúa thương phẩm.
Nhờ liên kết tiêu thụ, lúa giống các thành viên sản xuất không lo đầu ra. |
Là một trong những thành viên tham gia dự án sản xuất lúa giống của HTX, anh Sơn Danh ở thôn Giồng Trôm, xã Mỹ Chánh cấy 3,5 ha lúa siêu nguyên chủng giống OM4900.
Ban đầu, anh cũng gặp khó khăn trong khâu khử lẫn - khâu đòi hỏi khắt khe nhất trong việc sản xuất lúa giống. Nhờ chịu khó học hỏi cùng với sự hỗ trợ của Ban giám đốc HTX, anh Danh đã dần khắc phục được khâu này, lúa sinh trưởng phát triển tốt, đạt yêu cầu đề ra và được doanh nghiệp, HTX bao tiêu toàn bộ.
Năm ngoái, với 3,5 ha ruộng sản xuất 3 vụ, anh Danh thu hoạch được hơn 73 tấn lúa giống, mang về gần 300 triệu đồng.
Anh Danh cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất cấy giống lúa này vì không chỉ thu được hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa thịt, mà còn vì đam mê, mong muốn những hạt giống lúa chất lượng do mình làm ra được bà con sử dụng rộng rãi.
Đánh giá qua nhiều vụ, giống lúa HTX đang gieo trồng có thời gian sinh trưởng ngắn (chỉ từ 85 - 90 ngày), bộ rễ phát triển mạnh, độ cứng cây cấp 1, năng suất trung bình đạt 7 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình 1,5 tấn/ha. Song song đó, chi phí đầu tư thấp hơn ngoài mô hình 2,7 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân đảm bảo 42 triệu đồng/ha.
Hằng năm, doanh nghiệp và các đơn vị phối hợp cùng HTX ký hợp đồng thu mua ngay từ đầu vụ với sản lượng 4.000 tấn giống/năm, giá 6.000 đồng/kg lúa tươi, thu về 32 tỷ đồng và trên 75 tỷ đồng của 15.000 tấn lúa thương phẩm.
“Thời gian tới, HTX tiếp tục phấn đấu xây dựng phương án phát triển bền vững chuỗi sản phẩm cho vùng chuyên canh, kết nối chặt chẽ liên kết “ba nhà” trong sản xuất lúa giống, nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục đăng ký và cấp nhãn hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường...”, ông Công cho biết.
Tô Thương