Mới chỉ đi vào hoạt động hơn 1 năm, song nhờ sức trẻ, sáng tạo, cùng những hướng đi mới, HTX Phấn Mễ đang ngày càng khẳng định tên tuổi và trở thành mô hình HTX điểm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và được Liên minh HTX tỉnh đặc biệt quan tâm.
Thành công nhờ hướng đi mới
Để phát triển bền vững, các nhiệm vụ, công việc trong HTX được phân công khoa học, với những bộ phận chuyên trách (con giống, thú y, vận chuyển, quảng bá - tiêu thụ…), để tạo nên một vòng tròn khép kín, bảo đảm hỗ trợ nhau kịp thời, hạn chế chi phí trong sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho HTX và các thành viên.
HTX hiện có 11 thành viên. Tất cả các thành viên của HTX đều là những hộ dân có chung ý tưởng, đang chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện.
Anh Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc HTX, cho biết: “HTX Phấn Mễ với nòng cốt là những người trẻ thuộc thế hệ 8x nên có những suy nghĩ và cách làm mới, dám nghĩ dám làm. 11 thành viên vốn xuất thân từ những ngành nghề khác nhau, nhưng có chung ý tưởng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn để cung ứng ra thị trường”.
Năm 2016, dù mới thành lập, nhưng với chiến lược phát triển hiệu quả, doanh thu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng. Hiện tại, HTX đang duy trì hai mảng sản xuất chính, là chăn nuôi và trồng trọt.
Về chăn nuôi, HTX đang có đàn gà đẻ trứng hơn 2.000 con mái, khu nuôi lợn thịt (số lượng 40 - 80 con/lứa) và 800m2 chuồng nuôi giun quế Về trồng trọt, HTX đang có hơn 1ha trồng rau VietGAP tập trung.
“Đầu năm 2017, để đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, HTX đã mở cửa hàng nông sản an toàn tại thị trấn Đu (huyện Phú Lương). Hiện tại, sản phẩm tại cửa hàng đang được nhiều người dân tin tưởng và sử dụng. Bình quân mỗi ngày, cửa hàng xuất bán được trên dưới 3 tạ thịt (gồm thịt lợn, gà, cá) và các loại rau, củ, quả”, Giám đốc Nguyễn Xuân Hòa cho hay.
Phụ trách mảng an toàn thực phẩm của HTX, anh Nguyễn Văn Biển cho biết: “Để có thực phẩm an toàn phải có nguồn thức ăn chăn nuôi sạch. Vì vậy, chúng tôi thực hiện chăn nuôi theo chuỗi thức ăn tạo giá trị. Đầu tiên, HTX phát triển vùng nuôi giun quế để bảo đảm nguồn thức ăn cho vật nuôi. Sau đó, các phụ phẩm trong chăn nuôi, sau khi xử lý, lại được dùng để trồng rau màu”.
![]() |
HTX Phấn Mễ đang là “bệ đỡ” phát triển kinh tế cho thành viên
Mở rộng mạng lưới tiêu thụ
Tuy mới thành lập, nhưng HTX Phấn Mễ đang thể hiện vai trò “bệ đỡ” cho các thành viên. Anh Đỗ Minh Tuấn - thành viên HTX, chia sẻ: “Trước đây, tôi nuôi khoảng 1.000 con gà thịt, nhưng thị trường, giá cả rất bấp bênh. Từ khi vào HTX, những vấn đề thị trường, giá cả không còn phải lo. Trong sản xuất, các thành viên luôn tương trợ, đóng góp vốn, góp sức để giúp nhau. Khi có khó khăn, các thành viên cùng họp lại bàn cách giải quyết”.
Không chỉ trưng bày, bán các sản phẩm nông nghiệp làm ra, để đa dạng hóa các sản phẩm an toàn tại cửa hàng, HTX đã phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện Phú Lương, mở cửa tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp an toàn của các HTX, đơn vị khác trên địa bàn.
HTX cũng đang xây dựng kế hoạch, xin chỉ đạo từ UBND huyện Phú Lương, để thành lập bộ phận thẩm định sản phẩm, kiểm tra quy trình sản xuất của các thành viên, mục đích là đạt chứng nhận thực hành sản xuất, chăn nuôi an toàn của các cơ quan chức năng.
Nói về vai trò của HTX, Giám đốc Nguyễn Xuân Hòa phân tích: “HTX ra đời không chỉ bảo đảm tính liên kết, tăng hiệu quả sản xuất, mà còn giúp các thành viên tiếp cận nguồn vốn, gặp gỡ các đối tác cung cấp hàng hóa, thức ăn chăn nuôi, ổn định giá đầu ra, đầu vào, hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi”.
Trong chuyến thăm và làm việc tại HTX Phấn Mễ, ông Hoàng Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, đánh giá rằng HTX Phấn Mễ đang là sợi dây liên kết sản xuất, gia tăng giá trị canh tác nông nghiệp của nhiều hộ dân trên địa bàn. HTX cũng đang là mô hình điểm, cần được nhân rộng trên toàn huyện.
“Toàn huyện Phú Lương hiện có 20 HTX, 8 THT và 1 quỹ tín dụng, thu hút được trên 3.700 thành viên và hơn 5.000 lao động. Trong đó, HTX Phấn Mễ là một trong những HTX hoạt động hiệu quả, tham gia trực tiếp, gián tiếp vào quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện”, ông Hưng nhấn mạnh.
Văn Nguyễn