Năm nay, sầu riêng Phú Riềng được mùa, cộng thêm nhiều diện tích trồng mới bắt đầu cho thu hoạch nên dự báo sản lượng tiêu thụ ra thị trường sẽ đạt hơn 7.000 tấn. Hiện, huyện cùng doanh nghiệp, HTX và thương lái đã chủ động vào cuộc để khâu thu hái, lưu thông, tiêu thụ sầu riêng không bị đứt gãy, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cây bạc tỷ bén rễ vùng đất đỏ
Nhắc đến sầu riêng có lẽ ai cũng sẽ nghĩ đến sản vật của vùng miền Tây sông nước. Thế nhưng, ở miền Đông đất đỏ này, mấy năm gần đây đã sản sinh ra nhiều tỷ phú vươn lên làm giàu từ trái sầu riêng.
Trái sầu riêng trên vùng đất đỏ bazan đang mở ra một triển vọng mới, nâng cao thu nhập bà con Phú Riềng |
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc HTX Nông Thành Phát kể lại: Khoảng 15 năm về trước, hồ tiêu được ví là “vàng đen” của vùng đất Phú Riềng, từ đó hình thành nên nhiều vùng chuyên canh lớn, thu hút hàng nghìn nông dân tham gia sản xuất.
Song, hồ tiêu của bà con nơi đây chưa kịp “đẻ” ra vàng thì tai họa bỗng ập đến. Hàng loạt loại bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu mà chưa có thuốc đặc trị đã làm “khuynh gia bại sản” nhiều gia đình.
Không chịu bó gối chịu đói trên vùng đất phì nhiêu, năm 2013, ông Hòa cùng một số bà con trong vùng tìm vào miền Tây, nơi có những vùng chuyên canh cây ăn trái để tìm hiểu, chọn loại cây trồng phù hợp mang về trồng thử nghiệm. Ngờ đâu, cây sầu riêng lớn nhanh trên vùng đất đỏ bazan mang theo cả kỳ vọng thoát nợ nần, thoát nghèo khó và đổi đời của bà con.
Tuy nhiên, thời gian đầu, đa phần các hộ trồng tự phát nên diện tích còn manh mún, thường xuyên bị ép giá. Hơn nữa, do thiếu kinh nghiệm sản xuất nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn, năm 2019, HTX cây ăn trái Nông Thành Phát ra đời nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, liên kết chuỗi sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm.
Cũng giống như phần đông nông dân ở Bình Phước, trước đây gia đình anh Trần A Lửng (thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân), thành viên HTX trồng điều, sau đó là hồ tiêu, cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, các loại cây trồng này cũng từng khiến gia đình nhiều lần rơi vào tình cảnh điêu đứng, vì thế, anh đã quyết tâm tìm hướng làm ăn mới, học hỏi mô hình chuyển đổi sang trồng sầu riêng.
Tham gia HTX, anh Lừng đã có thêm kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc vườn cây, cũng như được hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu, tạo tán, tỉa trái đúng kỹ thuật… Với cách làm này, anh tiết kiệm rất nhiều chi phí trong sản xuất, mà cây vẫn sinh trưởng tốt, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe và môi trường.
“Nhờ sản xuất sạch, tôi duy trì được lượng khách hàng ổn định. Đây là cơ sở để sản lượng sầu riêng làm ra luôn được tiêu thụ tốt”, anh Lửng nói.
Hiện, 1ha sầu riêng của gia đình anh đang trong thời kỳ thu hoạch. Nhờ tuân thủ tuyệt đối quy trình canh tác của HTX, quả ra không những đều, đẹp mà năng suất rất cao, dự kiến năm nay anh thu về 25 tấn sầu riêng loại 1, doanh thu gần 1 tỷ đồng.
Hiện, HTX đang tiếp tục hướng đến xây dựng chuẩn GlobalGAP, đồng thời mở rộng thêm đối tác liên kết để tiếp cận đa dạng thị trường, kết nối với các công ty xuất khẩu sầu riêng sang các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm như châu Âu, Nhật Bản...
Xây dựng mối liên kết bền chặt
Đến nay, toàn huyện Phú Riềng có 800ha sầu riêng, trong đó 300 ha trong thời kỳ kinh doanh, 500ha đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Tương lai gần, sầu riêng sẽ là một trong những loại cây trồng lợi thế cho Phú Riềng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hàng trăm tấn sầu riêng của HTX Nông Thành Phát được doanh nghiệp, thương lái đến tận vườn thu mua |
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, dự báo đầu ra cho sản phẩm sẽ hết sức khó khăn.
Lường trước được vấn đề này, ngay từ khi thành lập, HTX cây ăn trái Nông Thành Phát đã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, HTX đã thu hút 35 thành viên tham gia, canh tác trên tổng diện tích 103 ha, trong đó có 50 ha sầu riêng, 22 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Để nâng giá trị cho thương hiệu sản phẩm sầu riêng, HTX đang từng bước thay đổi phương pháp canh tác, đáp ứng theo các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của những thị trường khó tính.
Sầu riêng Bình Phước tuy “sinh sau đẻ muộn” so với các tỉnh khác nhưng luôn được thương lái săn đón. Sản lượng HTX làm ra bao nhiêu cũng được thương lái gom đi tiêu thụ, thậm chí bán ngược xuống thị trường miền Tây.
Nhờ thành viên “mát tay” cùng với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương phù hợp, sau 5 năm, cây đã cho trái. Những năm tiếp theo, cây càng to, tán càng rộng, năng suất càng tăng. Niên vụ 2020, sầu riêng của HTX thu hoạch được 25 tấn/ha, với giá bán tại vườn dao động từ 50.000 - 65.000 đồng/kg.
“Hiện nay, dịch Covid-19 khiến thị trường nông sản gặp nhiều khó khăn, thế nhưng sầu riêng của HTX vẫn giữ được chỗ đứng trên thị trường. Đến cuối vụ, giá sầu riêng giảm còn 35.000 - 40.000 đồng/kg, nhưng các thành viên vẫn có lời”, ông Hòa khẳng định.
Để giải quyết những khó khăn này, huyện Phú Riềng đang tập trung đàm phán với doanh nghiệp để thống nhất quy trình sản xuất giữa người dân, HTX với doanh nghiệp nhằm hướng đến thị trường xuất khẩu. Mặt khác, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển một cách bền vững, hướng đến mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ.
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022, huyện Phú Riềng sẽ xây dựng kho lạnh với quy mô, chất lượng đạt chuẩn châu Âu, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vừa giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp khi gặp tình huống khủng hoảng thừa trên thị trường.
Huyền Thương