HTX Sản xuất và Khai thác đá vôi Đội Cấn được thành lập năm 1997 với nhiệm vụ sản xuất và khai thác đá vôi trên địa bàn xã Đội Cấn, trữ lượng mỏ được cấp phép khai thác khoảng hơn 2 triệu m3. Tuy nhiên ngày đó, đời sống của cán bộ, người lao động trong HTX vẫn còn bấp bênh, sản xuất nhỏ, lạc hậu, nhiều rủi ro.
Thay đổi để phát triển
Năm 2012, khi Luật HTX mới chính thức có hiệu lực, Ban lãnh đạo HTX Sản xuất và Khai thác đá vôi Đội Cấn đã kiện toàn bộ máy chuyển đổi theo luật mới với phương châm muốn phát triển phải tự thay đổi và hoàn thiện mình. Theo đó, HTX đã mở rộng sản xuất khai thác, chế biến các sản phẩm từ đá vôi tự nhiên; chủ động đầu tư mua sắm thiết bị, phương tiện vận tải khép kín trong quá trình sản xuất và kinh doanh.
![]() |
Khu vực khai thác đá của HTX (Ảnh: Tư liệu) |
Ông Nguyễn Tăng Đậu - Giám đốc HTX Sản xuất và Khai thác đá vôi Đội Cấn cho biết đến nay, HTX đã đầu tư hàng chục tỷ đồng sửa chữa bảo dưỡng và nâng cấp hệ thống các thiết bị sản xuất như: Trạm biến áp 250 kVA - 35/0,4 kV; hệ thống dây chuyền máy nghiền sàng đá công nghệ cao của Liên bang Nga, công suất 75 tấn/giờ; máy xúc, xe ô tô vận tải khối lượng lớn các loại.
Tại trụ sở làm việc, HTX còn trang bị camera để giám sát trực tiếp công việc tại công trường sản xuất, kịp thời đôn đốc và xử lý những vấn đề về sản xuất và an toàn lao động tại mỏ khai thác khi có sự cố xảy ra. Các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm an toàn cho người lao động được HTX thực hiện đầy đủ. Hàng năm cứ 6 tháng/lần, HTX lại mở các lớp tập huấn về an toàn trong sản xuất cho người lao động. Đây là yếu tố quyết định để người lao động gắn bó lâu dài với HTX.
Nhận thấy sản phẩm chủ yếu là đá hộc xuất bán ra thị trường cho hiệu quả không cao, HTX đầu tư mua sắm trang thiết bị mới sản xuất đá xay. Sản lượng đá xay của HTX hiện chiếm 80% trong tổng số đá tiêu thụ, làm thay đổi cơ cấu mặt hàng, tăng lợi nhuận cho HTX vì doanh thu và lợi nhuận từ đá xay thường cao gấp 3 - 4 lần so với đá hộc.
Trung bình mỗi năm, sản lượng đá khai thác của HTX đạt khoảng nghìn m3, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng giúp thu nhập của thành viên ngày càng nâng lên. Có thể khẳng định, sau khi chuyển đổi, vị thế của HTX được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là HTX được tự chủ trong hoạt động, trách nhiệm của từng thành viên cũng được thể hiện rõ.
Giúp xã cán đích nông thôn mới
Nếu trước kia, nguồn vốn HTX là tài sản của tập thể thì nay là do thành viên tự bàn bạc, đóng góp nên mỗi thành viên và người lao động đều tự ý thức hơn trong việc nâng cao hiệu quả trong công việc. Hiện nay, HTX Sản xuất và Khai thác đá vôi Đội Cấn là một trong những HTX phát triển mạnh nhất của tỉnh Tuyên Quang. HTX có hơn 20 thành viên và hơn 200 lao động là người địa phương, trong đó có nhiều thành viên là người Cao Lan, dân tộc Tày.
![]() |
HTX hỗ trợ trộn bê tông, đá sỏi làm đường bê tông nội đồng tại thôn Cây Khế (Ảnh: TL) |
Với đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên có đủ năng lực tổ chức, năng động làm kinh tế để quản lý điều hành mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX đã nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường. Bằng sức sáng tạo dám nghĩ, dám làm vượt khó vươn lên, Ban quản trị HTX đã đứng ra tuyên truyền vận động nhân dân trong vùng cùng tham gia vào chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Tăng Đậu cho biết thêm: "Từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, HTX luôn nêu cao ý thức trách nhiệm của đơn vị mình. Ngoài việc kiện toàn bộ máy chuyển đổi theo Luật HTX 2012 cũng như tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con em lao động tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, khi xã Đội Cấn có kế hoạch bê tông hóa 2.700 m đường nội đồng, tập trung chủ yếu ở các thôn Cây Khế, Tân Tạo, Khe Cua 1, Xã Ngoại..., HTX đã hỗ trợ trộn bê tông và đá sỏi để làm đường.
Đến nay, toàn bộ hệ thống giao thông nội đồng của xã Đội Cấn đã được bê tông hóa. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 34 triệu đồng/năm; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 92,3% giúp xã Đội Cấn cán đích nông thôn mới trước kế hoạch.
Hà Xuyên