Thủy lợi là một trong những tiêu chí thiết yếu thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, bởi một khi thực hiện tốt tiêu chí này đồng nghĩa với việc địa phương đã đáp ứng tốt việc phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn.
Nông thôn đổi mới và phát triển
Gia Tường là xã thuộc vùng trũng thấp của huyện Nho Quan, có nhiều diện tích ngoài đê, việc điều tiết thủy lợi gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên những năm gần đây việc sản xuất trên đồng ruộng của xã đã có nhiều thay đổi. Điều nhận thấy rõ là hệ thống kênh mương đã cơ bản được cứng hóa phục vụ cho việc tưới, tiêu, sản xuất nông nghiệp.
Thủy lợi là một trong những tiêu chí thiết yếu thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. |
HTX nông nghiệp Gia Tường là một trong những đơn vị đi đầu về sản xuất lúa ở huyện Nho Quan với năng suất bình quân đạt 62 - 67 tạ/ha. Hàng năm, HTX gieo trồng trên 500 ha lúa.
Ông Đinh Quốc Lượng, Giám đốc HTX nông nghiệp Gia Tường cho biết: Yếu tố chính thúc đẩy sản xuất trên đồng ruộng của xã chính là thực hiện tốt và có hiệu quả tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM. Toàn bộ hệ thống kênh mương, trạm bơm được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ thường xuyên đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ phát triển sản xuất.
Còn tại xã Thạch Bình có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 873,5 ha, trong đó diện tích được tưới tiêu chủ động đạt tỷ lệ 92,2%. Trên địa bàn xã có 3 trạm bơm điện, hệ thống kênh cấp II và cấp III dài 73,518 km kênh mương, đã được cứng hóa 25,544 km.
Ông Vũ Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Trong những năm gần đây, các hệ thống kênh mương, cống, kè, tràn trên địa bàn xã đã được nhà nước quan tâm đầu tư và khắc phục kịp thời đảm bảo tưới tiêu chủ động cho sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về dân sinh và phòng, chống thiên tai.
Các HTX ở Nho Quan luôn xác định việc kiên cố hóa kênh mương đóng vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công phong trào xây dựng NTM.
Đến nay, 26/26 xã ở Nho Quan đạt chuẩn tiêu chí số 3 về thủy lợi. Toàn huyện hiện có 104,1 km đê, 199 cống dưới đê và cống trạm bơm, 76 trạm bơm (187 máy), 38 hồ chứa nước; hệ thống kênh mương có tổng chiều dài 713,80 km.
Thực hiện việc lồng ghép các chính sách (công ích thủy lợi), đến nay, toàn huyện đã kiên cố kênh cấp I+II được 360,14km (tỉ lệ cứng hóa đạt 80%). Hệ thống thủy lợi của huyện đảm bảo tưới, tiêu cho trên 35.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, phục vụ đời sống nhân dân.
Hàng năm, các HTX tổ chức thực hiện nạo vét trên 200 nghìn m3 kênh mương, kiên cố hóa trên 90km kênh mương nội đồng, tổ chức khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh nhằm nâng cao năng lực tưới tiêu của hệ thống kênh mương...
Ông Trần Văn Dưỡng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh và các cấp, các ngành, trong những năm qua Nho Quan đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi, góp phần quan trọng nâng cao năng lực tưới tiêu của toàn hệ thống, chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
“Hiện tại, Nho Quan chỉ đạo các HTX chú trọng đầu tư, sửa chữa nâng cấp công trình ngay khi có dấu hiệu đã xuống cấp, đồng thời nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần vào thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM”, ông Trần Văn Dưỡng cho hay.
Duy trì bền vững kết quả đạt được
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Ninh Bình, hiện nay 100% các địa phương trong tỉnh đều cơ bản hoàn thiện được hệ thống thủy lợi đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng NTM. Tính riêng các công trình thủy lợi do các địa phương quản lý có khoảng trên 4.000 km kênh mương tưới, tiêu, 1.700 cống, đập, xi phông, cầu máng và 350 trạm bơm điện nhỏ. Từ nhiều nguồn vốn các địa phương đã kiên cố hóa 150 km kênh mương cấp 3.
Các HTX đã giữ vững tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM giúp hạ tầng nông nghiệp được bảo đảm, đồng bộ. |
Tại các địa phương trong tỉnh, tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM đều được quan tâm thực hiện hiệu quả.
Đây là một trong những tiêu chí đầu tiên đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM. Nổi bật, tại các địa phương của Ninh Bình là hệ thống thủy lợi đều được đầu tư xây dựng đồng bộ từ các công trình đầu mối đến kênh nội đồng, kênh thủy nông mặt ruộng. Trong đó, các tuyến kênh được tính toán đáp ứng tưới, tiêu diện tích cụ thể trong vùng phục vụ.
Chỉ tính riêng đợt chỉnh trang đồng ruộng, bố trí quy hoạch lại đường nội đồng, kênh mương, toàn tỉnh đã đào đắp trên 10 triệu m3 đất. 100% các tuyến kênh nội đồng được chỉnh trang, nâng cấp phục vụ yêu cầu tưới tiêu cho mùa vụ. Đáng chú ý, hệ thống thủy lợi được các HTX dịch vụ nông nghiệp đầu tư tu bổ, nâng cấp thường xuyên hằng năm giúp nâng cao năng lực phục vụ, thúc đẩy sản xuất trên đồng ruộng phát triển.
Điển hình, trong các vụ lúa, người dân Ninh Bình đã áp dụng phương pháp lúa gieo thẳng vốn đòi hỏi khắt khe về điều tiết nước vào trên 98% diện tích. Qua đó, giúp bảo đảm yêu cầu thời vụ gieo cấy, giảm chi phí sản xuất... Đồng thời, giải quyết được tình trạng khó khăn do thiếu lao động thời vụ, khi phần lớn lao động chính chuyển sang làm tại doanh nghiệp và các ngành nghề, dịch vụ khác.
Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình đánh giá, hệ thống thủy lợi trên địa tỉnh Ninh Bình xây dựng đạt chuẩn NTM đã khắc phục được hạn chế, khó khăn trong công tác thủy lợi, góp phần quan trọng để nông nghiệp có đột phá lớn qua việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Hằng năm các HTX dịch vụ nông nghiệp luôn dành nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước tu bổ thường xuyên, nạo vét, giải tỏa vật cản trên kênh, sửa chữa máy bơm, hệ thống đóng mở cống… Cùng với đó, các địa phương tranh thủ nguồn đầu tư để xây dựng mới và nâng cấp hệ thống thủy lợi.
“Việc duy trì và giữ vững tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM giúp hạ tầng nông nghiệp được bảo đảm, đồng bộ. Đây là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, nhất là đưa các mô hình sản xuất mới đòi hỏi khắt khe về tưới, tiêu. Qua đó, giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân khu vực nông thôn”, ông Vũ Nam Tiến nói.
Đoàn Huyền