Ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) có HTX Tân Hòa Bình được nhắc đến là điểm sáng về kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở tỉnh Phú Yên và cũng là HTX dẫn đầu khối kinh tế tập thể toàn tỉnh trong hoạt động xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Hơn 10 năm qua, đây là HTX duy nhất của tỉnh chinh phục thị trường châu Âu với các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp.
Nhìn từ điểm sáng HTX ở Hòa Bình 1
Ông Lương Tấn Thái, Giám đốc HTX Tân Hòa Bình, nhấn mạnh: Điều mà những năm qua, HTX làm được đó là tạo việc làm cho lao động nông nhàn thông qua hệ thống xưởng sản xuất gỗ mỹ nghệ tại vùng nông thôn trong tỉnh.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX Tân Hòa Bình đã chinh phục nhiều thị trường quốc tế. |
Trong 3 năm trở lại đây, tuy gặp không thách thức lớn từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng HTX này vẫn duy trì việc làm ổn định cho 45-60 lao động với mức thu nhập từ 45-49 triệu đồng/người/năm. HTX thu lợi nhuận hàng năm trên 5 tỷ đồng. Vào những thời điểm đầu ra thuận lợi, HTX tạo việc làm cho 100 lao động ở địa phương.
Ngoài HTX nêu trên, tại xã Hòa Bình 1 còn có HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Bình 1 đang triển khai các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn, có hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trần Văn Trinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Bình 1, chia sẻ: “Từ khi HTX sản xuất lúa theo quy trình an toàn, các thành viên dần nhận thức được việc thay đổi cách dùng phân, thuốc chính là giúp cho họ có nhiều sản phẩm chất lượng hơn, dần dần chuyển đổi sang mô hình trồng sạch, an toàn. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ triển khai tại địa phương đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, mở ra một hướng canh tác bền vững”.
Là thành viên của HTX, ông Lê Văn Bổn ở thông Phước Mỹ (xã Tây Hòa) cho biết từ khi tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ do HTX và địa phương tổ chức, các nông dân trong xã được cán bộ nông nghiệp tập huấn kỹ thuật canh tác, hướng dẫn gieo sạ, bón phân và khâu làm đất, thu hoạch đều được cơ giới hóa…
“Điều phấn khởi là lượng giống gieo sạ, phân bón đều giảm nhưng năng suất lúa thu hoạch lại cao và được HTX bao tiêu”, ông Bổn nói.
Từ những bước phát triển vững chắc trong kinh tế hợp tác như vậy đã giúp cho thu nhập của người dân ở xã Hòa Bình 1 ngày càng nâng lên, thoát cảnh nghèo khó và giúp cho xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao cách đây 2 năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã đã giảm còn 0,36%.
Tạo chuỗi giá trị cho cây sen
Nhắc đến Tây Hòa cũng cần nói tới cây sen đang là một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Chính quyền tại đây ưu tiên cho các HTX trong phát triển loại cây này.
Chính quyền huyện Tây Hòa đang ưu tiên cho các HTX trong phát triển cây sen. |
Ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết: Toàn huyện có khoảng 40ha sen, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Hòa Đồng. HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng là đơn vị tiên phong xây dựng thương hiệu sen Hòa Đồng và thu mua hạt sen cho bà con để chế biến ra các sản phẩm bột hạt sen, tim sen, sen sấy khô…
Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động này, Tây Hòa dự kiến nhân rộng diện tích trồng sen toàn huyện lên 100ha, giao HTX Hòa Đồng là đầu mối tiên phong liên kết các HTX có trồng sen tại địa phương hình thành chuỗi liên kết, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm sen Tây Hòa.
Theo ông Mai Ne, UBND huyện vừa phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) và CTCP Thực phẩm sen Đại Việt hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm sen Tây Hòa. Trong đó, các đơn vị này cam kết sẽ hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời hỗ trợ thu mua các sản phẩm từ sen.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng chia sẻ, cây sen là cây trồng chuyển đổi chủ lực của xã Hòa Đồng, mang lại giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa gấp 3-4 lần. Cho ra đời thêm những sản phẩm mới từ cây sen, HTX muốn đa dạng sản phẩm, giúp tăng khả năng tiêu thụ cho nông sản này trên thị trường.
Chẳng hạn như sản phẩm bột hạt sen của HTX hơn một năm nay đã trở thành hàng hóa đạt chuẩn, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và có mặt rộng rãi trên thị trường.
Sản phẩm bột hạt sen ra đời từ cây sen truyền thống ở xã Hòa Đồng. Hạt sen tươi sau khi thu hoạch được HTX sấy khô, tách vỏ và xay thành bột. Tất cả các khâu này được sản xuất trên dây chuyền hiện đại. Cũng từ cây sen, HTX Hòa Đồng tiếp tục phát triển thêm nhiều sản phẩm như tim sen, hạt sen khô đen, hạt sen lứt.
Sản xuất lúa sạch nâng thu nhập cho nông dân
Ngoài ra, nói về kinh tế hợp tác ở huyện Tây Hòa phải kể thêm đến HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong ở xã Hòa Phong là một trong những đơn vị đi đầu, đồng thời đang là điểm sáng trong sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ.
Ở huyện Tây Hòa có những HTX là điểm sáng về sản xuất lúa hữu cơ giúp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. |
Theo ông Trần Ngọc Cư, Phó Giám đốc HTX Hòa Phong, trước đây, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, tính hiệu quả kinh tế không cao, còn về sản xuất lúa thì người dân vẫn theo phương thức truyền thống. Đây là trăn trở của ban giám đốc cùng các thành viên HTX trong nhiều năm gắn bó với cây lúa tại xã Hòa Phong. Bởi, tất cả đều hướng tới việc sản xuất bền vững, giảm tác hại đến môi trường.
“Từ khi HTX vận động các thành viên thực hiện mô hình theo đúng quy trình thâm canh lúa hướng hữu cơ, ứng dụng tiến bộ về giống, phân bón phù hợp, trong thời gian lúa sinh trưởng ít bị sâu bệnh hại, năng suất bình quân đạt 80 tạ/ha/vụ (tăng gần 2 tạ/ha so với lúa canh tác truyền thống). Vì vậy, HTX đang tính toán quy hoạch 200ha để làm lúa hữu cơ, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trong vụ tới”, ông Cư nói.
Cùng với những HTX ở các địa phương nêu trên, tính đến cuối năm 2022, huyện Tây Hòa có 15 HTX, gồm 14 HTX nông nghiệp và 1 HTX phi nông nghiệp. Năm 2022, tổng doanh thu của các HTX là hơn 100 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 166 triệu đồng/HTX. Tỷ lệ cán bộ quản lý tại các HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm trên 40%.
Trong 14 HTX nông nghiệp có 60% HTX quản trị tốt thương hiệu nông sản địa phương từ mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hiệu quả, như trồng sen, chế biến tiêu thụ sản phẩm sen của HTX Hòa Đồng; sản xuất và tiêu thụ lúa giống, xây dựng cánh đồng mẫu lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ… của những HTX ở các xã Hòa Bình 1, Hòa Phong, Hòa Mỹ Tây, Hòa Tân Tây, Hòa Phú…
Với tính hiệu quả của các HTX phi nông nghiệp và nông nghiệp như vậy đã góp phần giúp cho công tác giảm nghèo ở huyện Tây Hòa trở nên hiệu quả hơn. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện là 7,5% thì đến năm 2018 giảm xuống còn 1.603 hộ nghèo, chiếm 4,6% tổng số hộ. Và đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm chỉ còn 2,81%. Không chỉ vậy, cách đây 3 năm, huyện Tây Hòa là huyện đầu tiên của tỉnh Phú Yên được công nhận là huyện nông thôn mới.
Thanh Loan