Củ cải trắng là một trong những cây trồng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện Cẩm Xuyên, được ví như "nhân sâm trắng". Để nâng cao giá trị sản phẩm, huyện đã và đang huy động nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất theo phương thức hữu cơ, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu củ cải khô.
Giải bài toán “được mùa, mất giá”
Bắt đầu khai hoang vùng đất “sa mạc” vào năm 2014 theo dự án của tỉnh, trên diện tích 10,5 ha, HTX Hà Trung với 9 thành viên đã phải đối mặt với nhiều khó khăn cũng như thất bại.
Hiện HTX Hà Trung đang tích cực hoàn thiện các thủ tục xây dựng sản phẩm củ cải sấy OCOP |
Sau 7 năm triển khai, HTX Hà Trung đã từng bước xanh hóa những đồi cát ven biển bằng những luống rau, củ, quả có giá trị bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết.
Chị Trần Thị Việt Hà, Giám đốc HTX Hà Trung cho biết: Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều hộ dân ở xã Yên Hòa cũng như thương buôn nơi đây rơi vào tình cảnh bế tắc, thua lỗ nặng nề vì củ cải đến mùa thu hoạch rớt giá thảm hại, bán không ai mua, ngậm ngùi đổ bỏ, gây lãng phí...
Xuất phát từ thực trạng trên và qua tìm hiểu, hướng dẫn từ các cấp, ban, ngành về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chị Hà cùng các thành viên HTX đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy móc, xây dựng xưởng sản xuất chế biến củ cải sấy theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới OCOP và vươn ra thị trường cả nước.
Theo Giám đốc HTX, với hướng chế biến như vậy, nông dân có thể hoàn toàn yên tâm khi được cam kết giá và sản phẩm đầu ra, đảm bảo đời sống ổn định cho các thành viên, tránh khỏi điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Việc phát triển sản phẩm củ cải khô ở HTX Hà Trung là hướng đi mới, không chỉ đa dạng hoá sản phẩm nông sản mà còn tăng thêm thu nhập, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Là một trong những nông dân trồng củ cải theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Lê Quyết Thắng, thành viên HTX Hà Trung cho biết: “Trước đây, tôi thu hoạch củ cải chủ yếu bán ngoài ruộng với giá dao động từ 3.000-6.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư không thu được mấy lãi. Vụ này, được HTX đầu tư chế biến, với hơn 3ha củ cải sau khi thu hoạch xong, sơ chế thành củ cải khô, trừ chi phí thu lãi hơn 20 triệu đồng, cao hơn gấp 3-4 lần so với canh tác các loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích đất”.
Tăng quy mô, nâng chất lượng
Sau thời gian chinh phục vùng đất “sa mạc”, giờ đây cây “nhân sâm trắng” đã phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương, ít sâu bệnh và phát triển tốt, chỉ sau gần 3 tháng từ khi bắt đầu trồng đã có thể thu hoạch những củ trắng ngần, thơm ngọt.
Công nhân của HTX tuân thủ nghiêm quy trình từ sơ chế đến đóng gói củ cải sấy. |
Trong củ cải trắng có chứa nhiều dinh dưỡng, mang đến những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe con người. Nếu củ cải tươi chỉ thích hợp để làm các món luộc hoặc nấu canh và ăn dễ chán, thì củ cải khô chế biến được thành nhiều món khác nhau, ăn ngon miệng và giòn hơn nhiều.
HTX xác định "sao" OCOP là thước đo đánh giá chất lượng, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, hạng sao càng cao thì người tiêu dùng càng tin tưởng. Vì vậy, ngay sau khi đầu tư hệ thống máy móc chế biến hiện đại, HTX đã quyết tâm nâng cấp sản phẩm để tham gia đánh giá sản phẩm phân hạng OCOP.
Theo đó, để chế biến thành các sản phẩm củ cải sấy thơm ngon, HTX phải đi qua nhiều công đoạn với những bí quyết học hỏi và đúc kết kinh nghiệm từ nhiều mô hình.
Củ cải sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch, cắt rễ để khô ráo mới bắt đầu thái dạng sợi, rải đều vào các khay, rồi sấy ở nhiệt độ 40 - 60 độ C trong vòng 10 tiếng. Sau đó, sản phẩm sẽ được đóng gói, dán tem VietGAP, nhãn mác, hút chân không và đưa vào bảo quản.
Với quy trình, công nghệ kỹ thuật mới này, các sản phẩm củ cải sẽ được chế biến bằng áp suất cao giúp lưu giữ được nhiều nhất hương sắc, vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của củ cải, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Sau khi sấy xong, sản phẩm được cân và đóng gói cẩn thận với khối lượng mỗi gói 100g, bình quân 2kg củ cải tươi sẽ chế biến được 100g khô.
Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu sạch với hơn 12ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, nên sản phẩm của HTX Hà Trung luôn đảm bảo chất lượng, làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Bình quân mỗi ngày, HTX chế biến được 25kg củ cải sấy khô.
Với giá bán 300.000 đồng/kg, sản phẩm củ cải sấy đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với củ cải tươi, lại dễ bảo quản.
Để ổn định đầu ra trong tương lai, hiện HTX Hà Trung đang hoàn thiện các thủ tục xây dựng sản phẩm củ cải sấy OCOP. Đồng thời, thời gian tới, HTX sẽ đa dạng các sản phẩm sấy như: cà rốt, bí đao, nộm... để tăng giá trị sản xuất.
Mới ra mắt thị trường được 2 tháng, sản phẩm củ cải đã được người tiêu dùng đánh giá cao và ưa chuộng. Bên cạnh việc chế biến nông sản, HTX Hà Trung sẽ tiến hành nghiên cứu phát triển các loại giống nông sản chất lượng cao, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, trồng trọt cho nông dân, để bà con yên tâm sản xuất gắn bó với nông nghiệp bền vững.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Danh đánh giá: “Sản phẩm củ cải sấy của HTX Hà Trung là mô hình chế biến đầu tiên ở huyện Cẩm Xuyên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh nhân rộng vùng nguyên liệu củ cải để tham gia sản phẩm OCOP không chỉ tăng về diện tích mà tăng về số hộ tham gia, từng bước nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương”.
Tô Thương