Phát triển KTHT nòng cốt là HTX là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Quán triệt đường lối trên, NHNN đã thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt nhằm khuyến khích và phát triển mạnh mẽ mô hình HTX kiểu mới.
Chính sách hỗ trợ HTX vay vốn
NHNN đang áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các HTX ở mức 6,5%/năm, thấp hơn 1 - 2% so với mặt bằng lãi suất chung đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
NHNN cũng đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho HTX, Liên hiệp HTX vay tiền từ các tổ chức tín dụng (TCTD) không có tài sản bảo đảm tối đa 1 - 3 tỷ đồng. Thậm chí, các HTX ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được TCTD cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70 - 80% giá trị dự án, phương án vay theo mô hình liên kết.
NHNN cũng đã chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các TCTD có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Song song với đó, NHNN cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng nói chung cũng như của các HTX nói riêng.
“Nhờ những biện pháp trên, tổng dư nợ tín dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX đến 31/3/2018 đạt 5.157 tỷ đồng, tăng 0,56% so với cuối năm 2017 với khoảng 1.300 HTX, Liên hiệp HTX còn dư nợ tại các TCTD”, Báo cáo của NHNN nêu rõ.
Trong đó, riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dư nợ cho vay đối với các HTX, Liên hiệp HTX theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP đến 30/4/2018 đạt 1.660 tỷ đồng (dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm đạt 164 tỷ đồng).
Lãi suất cho vay đối với các HTX hoạt động trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu cũng đã giảm mạnh. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay chỉ bằng khoảng 40% nửa cuối năm 2011, thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006. Đây là yếu tố tích cực để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của HTX |
Vẫn khó tiếp cận nguồn vốn
Dư nợ tín dụng đối với khu vực KTHT trong thời gian qua có chiều hướng tăng dần, đặc biệt sau quá trình chuyển đổi theo Luật HTX 2012 nhưng cho vay đối với HTX vẫn còn một số khó khăn.
“Chỉ có khoảng 1% trên tổng số hơn 21.000 HTX có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng”, ông Phạm Công Bằng - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, cho biết. Trong đó, tỷ lệ HTX nông nghiệp có khả năng tiếp cận vốn, thậm chí còn thấp hơn.
Trong khi đó, nhu cầu vốn của các HTX là rất lớn và đa dạng, bao gồm vốn ngắn hạn để mua vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… và vốn trung và dài hạn để đầu tư cơ sở chế biến, đầu tư chiều sâu cơ sở hạ tầng như đường điện, máy móc canh tác, áp dụng công nghệ cao, mua sắm phương tiện, nhà xưởng chế biến…
Do hoạt động trên nguyên tắc bảo toàn vốn và bảo đảm khả năng sinh lời là lý do khiến các TCTD thường rất thận trọng cho các HTX vay vốn.
Cụ thể, khó khăn của các HTX khi đi vay là không có tài sản để thế chấp, nếu có thì giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất chưa bảo đảm tính pháp lý.
Thiếu tài sản bảo đảm, nhiều HTX cũng không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi và hiệu quả mà phần lớn vẫn dựa vào tư vấn, hỗ trợ của hệ thống Liên minh hoặc thuê dịch vụ.
Chưa kể, nếu được chấp nhận vay vốn, quá trình hoàn tất những thủ tục cũng rất nhiêu khê với những người nông dân, nguồn vốn cho vay tối đa ở mỗi lần vay chỉ từ 2 tỷ đồng trở xuống.
Thực tế hiện nay, nguồn hỗ trợ tài chính cho các HTX gần như chỉ có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Hồng Nhung