HTX Minh Thành (xã Minh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) được thành lập cách đây gần 50 năm. Những năm đầu thành lập, HTX hoạt động yếu, chủ yếu cung ứng các dịch vụ nông nghiệp như phân bón, giống, thủy lợi... cho thành viên.
Sau khi có luật HTX mới ra đời, HTX đã đổi mới mạnh mẽ mô hình hoạt động. Ngoài những ngành nghề cũ truyền thống, Hội đồng quản trị (HĐQT) HTX đã mạnh dạn đưa thêm những ngành nghề mới vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của các thành viên.
Đầu mối cung ứng dịch vụ
Hiện tại, HTX hoạt động theo hướng đa ngành nghề với 15 dịch vụ thuộc lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp và phi nông nghiệp. Lĩnh vực hoạt động của HTX thực sự là đầu mối cung ứng dịch vụ cho thành viên.
Để hoạt động dịch vụ phát huy hiệu quả cao nhất, HĐQT HTX đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nông nghiệp xã trong nhiệm vụ chuyên môn, phối hợp tập huấn chuyển giao KH-KT trong nông nghiệp như thâm canh lúa, cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng mô hình...
Bên cạnh đó, HTX đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho UBND xã trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, xây dựng duy tu các công trình thủy lợi, các loại phân bón... nên năng suất, sản lượng cây trồng đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Trong năm qua, HTX đã phối hợp xây dựng 4 mô hình giống lúa chất lượng cao BTZ3, Kim Cương 111, VT404; một mô hình sản xuất 5 loại giống ngô mới làm đối chứng; tổ chức sản xuất hơn 20ha ngô vụ đông tập trung... có hiệu quả.
Minh Thành là xã miền núi, xa trung tâm huyện. Để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân, HTX đã trở thành cầu nối để cung ứng tốt dịch vụ phân bón, giống cây. Trong năm qua, HTX đã cung ứng được 87 tấn đạm Ure, 298 tấn NPK, 28 tấn lân, 31 tấn Kaly, 26 tấn vôi; cung ứng 13,7 tấn giống lúa và ngô, 6.850 cây giống các loại.
Nhận thấy đời sống nhân dân còn nghèo, tài sản thế chấp vay vốn ít, HTX đã phát huy tốt dịch vụ tín dụng nội bộ để giúp người dân giải quyết nguồn vốn phát triển kinh tế.
Theo báo cáo, dư nợ từ tín dụng nội bộ của HTX hàng năm đều trên 12 tỷ đồng. Tổng doanh thu từ các dịch vụ trong năm vừa qua của HTX đạt gần 7,4 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 760 triệu đồng.
Với mục đích "lấy ngắn nuôi dài", vừa làm vừa xây dựng, HTX đã nhận "thầu" các hạng mục, công trình xây dựng cơ bản loại vừa và nhỏ trên địa bàn để có việc làm cho thành viên và tăng nguồn thu.
Chỉ tính trong năm 2017 vừa qua, HTX đã xây dựng được 5 cống bản, sửa chữa nâng cấp 3 tràn xả lũ, 4 hệ thống cống điều tiết nước, 250 m bê tông kênh mương...
Một số hệ thống kênh mương yếu, hư hỏng nặng, HTX đã chủ động vay mượn tiền để tu sửa trước nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất cho thành viên.
Qua đánh giá của thành viên, dịch vụ vệ sinh môi trường của HTX không những làm sạch đẹp môi trường nông thôn, mà quan trọng hơn là đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, có thêm nguồn thu phục vụ hoạt động của HTX.
Cũng chính vì hoạt động hiệu quả, trong những năm qua, HTX đã thu hút được nhiều thành viên tham gia. Cụ thể, năm 2016, HTX đã kết nạp được thêm 181 thành viên, năm 2017 kết nạp được gần 100 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 540 người.
"HTX Minh Thành phát huy rất tốt vai trò, là đầu mối cung ứng có hiệu quả các dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu của thành viên. Các dịch vụ do HTX cung ứng đều không có hàng giả, kém chất lượng, không bị đội giá... nên rất yên tâm", ông Trần Khánh Tùng - Chủ tịch UBND xã Minh Thành, nhận xét.
Thành viên HTX Minh Thành kiểm tra cam trước khi thu hoạch |
Xây dựng mô hình liên kết chuỗi
Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Minh Thành Nguyễn Công Hiển khẳng định: "Chúng tôi vừa làm tốt các khâu dịch vụ vừa triển khai xây dựng thành công mô hình liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ cam. Chỉ có xây dựng mô hình liên kết chuỗi mới gắn kết được thành viên. Quan trọng hơn là sản phẩm có đầu ra ổn định, các hộ nông dân có thu nhập ổn định, lúc ấy HTX mới phát triển vững mạnh".
Cây cam trên đất Minh Thành rất hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Sản phẩm cam từ lâu đã đứng vững trong tâm thức người tiêu dùng, có đủ điều kiện để phát triển diện tích cây cam... nên đây là điều kiện rất quan trọng để HTX lựa chọn để xây dựng mô hình liên kết chuỗi với sản phẩm chủ lực này. Hiện toàn xã có 82ha cây cam xã Đoài lòng vàng với gần 70ha đã cho quả phân bố đều trên toàn xã, sản lượng mỗi năm đạt 2.000 - 2.400 tấn quả.
Theo lãnh đạo HTX Minh Thành, để xây dựng mô hình liên kết chuỗi, HĐQT đã có kế hoạch cho đội ngũ cán bộ quản lý tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành; kỹ năng quản trị tài chính, quản trị kinh doanh... để đáp ứng với yêu cầu công việc. Triển khai cho các hộ thành viên đi tham quan các mô hình kinh tế để từ đó hình thành ý thức, kỹ năng trồng, chăm sóc cây cam theo quy trình VietGAP nhằm bảo đảm sản phẩm có chất lượng tốt.
Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành, cho biết: "Xây dựng mô hình liên kết chuỗi là hướng đi đúng đắn và huyện đang quyết liệt chỉ đạo các HTX, THT... quyết liệt thực hiện. Huyện sẽ quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX xây dựng thành công mô hình liên kết chuỗi".
Thanh Hải