Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đánh giá, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, không có điểm dừng. Ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp được xem là chìa khóa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp nông thôn, là động lực quan trọng để thực hiện và hoàn thành chương trình xây dựng NTM.
Hỗ trợ HTX áp dụng công nghệ vào sản xuất
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Nam Định về đích khá sớm khi đến giữa năm 2019, 100% số xã trong tỉnh đã đạt chuẩn. Năm 2019, Nam Định là tỉnh đầu tiên trở thành "Tỉnh NTM", về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và sớm hơn 1,5 năm so với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu về ứng dụng KH&CN trong xây dựng NTM. |
Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương “tiếp sức” hỗ trợ các HTX phát triển ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh.
Qua đó, nhiều HTX đã bắt nhịp xu thế hội nhập và phát triển, chủ động ứng dụng KH&CN, đổi mới công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho các thành viên.
“Nhiều HTX đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ, liên kết sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Các HTX khẳng định được năng lực, xây dựng thành công thương hiệu nông sản Nam Định trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng NTM làm thay đổi cơ bản đời sống của người dân”, ông Trần Anh Dũng nói.
HTX Sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong, thành phố Nam Định là một trong những HTX được nhận hỗ trợ về KH&CN.
Tham gia dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao tại Nam Định” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” của Bộ KH&CN, HTX được tiếp nhận các quy trình kỹ thuật chăm sóc, xử lý ra hoa giống lan Hồ điệp trong nhà lưới hiện đại, kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa Lily, hoa Cát tường trong nhà màng và ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất hoa thương phẩm.
Đồng thời, HTX được hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: xây dựng nhà lưới hiện đại trồng lan Hồ điệp, hoa Lily, hoa Cát tường, hệ thống máy lạnh để xử lý ra hoa cho lan Hồ điệp và các thiết bị hiện đại khác.
Hiện nay, HTX đã ứng dụng quy trình công nghệ tiên tiến về sinh học, vật liệu mới của Việt Nam và thế giới giúp cây sinh trưởng, phát triển vượt trội so với những hộ sử dụng giống cũ và kỹ thuật truyền thống. Dự kiến, dự án sẽ mang lại lãi thuần gần 2 tỷ đồng cho HTX.
Chị Phạm Thị Hoa, Giám đốc HTX chia sẻ, với việc ứng dụng đồng bộ công nghệ vào cả quy trình chăm bón và bảo quản sau thu hoạch, sản phẩm hoa của HTX đã được nâng cao năng suất, chất lượng, khâu bảo quản sau thu hoạch cũng được bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy cách của sản phẩm xuất khẩu.
Hiện nay, HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng các loại hoa, nhất là hoa Ly vụ cuối năm, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường hoa Tết.
KH&CN là nền tảng để xây dựng NTM
Hiện nay, toàn tỉnh có 489 HTX với trên 380 nghìn thành viên, trong đó có 372 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nam Định là tỉnh về đích NTM sớm so với cả nước. |
Hàng năm, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí từ chương trình khuyến công, khuyến nông, từ Quỹ KH&CN cho nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án hỗ trợ HTX đưa giống mới, công nghệ sinh học, bảo quản và chế biến nông sản, xây dựng các mô hình trình diễn tại HTX, hỗ trợ HTX sản xuất lúa lai, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hỗ trợ xây dựng mô hình HTX thu gom và xử lý rác thải, dịch vụ nước sạch nông thôn...
Ngoài ra, các HTX cũng được hỗ trợ về ứng dụng chuyển đổi số, kỹ năng hoạt động trên không gian mạng, kỹ năng thiết lập gian hàng, bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử PostMart.vn, Voso.vn, sàn thương mại điện tử vcamart.vn
Đại diện Liên minh HTX tỉnh cho biết, tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh gắn với ứng dụng KH&CN, đến nay đã có 25 HTX ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.
Một số HTX tiêu biểu trong ứng dụng KH&CN như: HTX Sản xuất, kinh doanh dịch nông nghiệp Nam Cường (huyện Ý Yên), HTX Nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), HTX Nông nghiệp Nam Thành (Nam Trực)…
Có thể khẳng định, kết quả ứng dụng KH&CN vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định thời gian qua không chỉ mang lại nhiều giá trị thiết thực về kinh tế mà còn bổ trợ kiến thức giúp người dân tích cực tham gia áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM, 9 huyện, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
“Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thường xuyên rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hệ thống văn bản triển khai thực hiện xây dựng NTM sao cho hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, thực hiện công khai cho người dân biết những thông tin về nội dung xây dựng NTM nhằm tập hợp người dân chung sức tham gia xây dựng NTM. Đặc biệt, tỉnh cũng tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong xây dựng NTM. Ưu tiên xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm, phát triển công nghiệp chế biến gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm kết hợp với phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực, sản phẩm đặc trưng truyền thống của tỉnh”, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay.
Đoàn Huyền