Cách đây 2 tháng, Ban Quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự án SME Trà Vinh) cùng các đơn vị tư vấn phối hợp UBND huyện Càng Long đã công bố quyết định chấp nhận đơn hợp lệ nhãn hiệu chứng nhận “Quýt đường Bình Phú” cho sản phẩm quýt đường được trồng ở xã Bình Phú (huyện Càng Long).
Cơ hội cho “Quất đường Bình Phú”
Đây là điều đáng mừng cho HTX Quýt đường Thuận Phú và những nông dân trồng quýt đường ở xã Bình Phú. Điều này tạo tiền đề cho địa phương mở rộng vùng nguyên liệu trồng quýt, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp.
HTX Quýt đường Thuận Phú có sản lượng quýt đường hàng năm đạt từ 200-300 tấn. |
Bà Phan Thị Thuý Nga, Giám đốc HTX, cho biết sau khi sản phẩm quýt đường được công nhận nhãn hiệu, HTX vận động các thành viên và người dân lân cận hướng tới mở rộng sản xuất lên 200ha, đồng thời liên kết với doanh nghiệp thu mua số lượng lớn, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Đứng chân trên địa bàn xã Bình Phú, HTX Quýt đường Thuận Phú hiện có 67 thành viên. Đây là một trong 7 HTX của tỉnh Trà Vinh có sản phẩm OCOP (Quýt đường được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao) và sản phẩm quýt đường đã có chứng nhận VietGAP.
Tổng diện tích canh tác quýt đường của HTX này hiện có 42 ha, trong đó có khoảng 25 ha cho trái, với sản lượng hàng năm đạt từ 200-300 tấn. Hầu hết quýt đường ở vùng đất này được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng phân bón hoá học rất hạn chế.
Bà Nga cho biết ngoài việc thu mua sản phẩm quýt đường của các thành viên, HTX còn thu mua sản phẩm của các hộ dân địa phương. Chu kỳ cho trái của quýt đường khoảng 8 tháng, bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 12 âm lịch; 4 tháng còn lại nông dân chăm sóc, cải tạo vườn và có thể xử lý cây quýt cho trái rải vụ bán vào dịp Tết nhằm tăng thêm thu nhập. Bình quân năng suất quýt đạt từ 8 - 12 tấn/ha, với giá bán dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, lợi nhuận tới 60%.
Cùng với HTX nêu trên, tính đến nay toàn huyện Càng Long có 23 HTX đang hoạt động với 532 thành viên, 130 tổ hợp tác với 2.071 thành viên. Nhờ hoạt động hiệu quả, có những HTX đang trở thành hình mẫu trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đưa chanh không hạt vươn xa
Đơn cử như HTX Nông nghiệp Thành Chí ở ấp Giồng Bèn, xã Huyền Hội (huyện Càng Long) chuyên trồng chanh không hạt phục vụ xuất khẩu. Từ diện tích canh tác 53ha, tính đến nay HTX có diện tích 117 ha với hơn 200 thành viên tham gia sản xuất. Mật độ trồng chanh không hạt của HTX hiện nay là 400 - 500 cây/ha, với thời gian 18 tháng cho thu hoạch lứa đầu tiên, năng suất bình quân 40 - 50 tấn/ ha/năm.
Mỗi tháng HTX Nông nghiệp Thành Chí xuất khẩu chanh không hạt sang thị trường Hà Lan với sản lượng từ 30 đến 70 tấn. |
Trong 2 năm trở lại đây, HTX này được Công ty The Fruit Republic Hà Lan bao tiêu sản phẩm, với giá bán bình quân hiện nay từ 25.000 đồng/kg loại 1, và 18.000 đồng/kg loại 2, trường hợp nếu giá thị trường xuống quá thấp thì phía công ty vẫn đảm bảo mức giá sàn không thấp hơn 10.000 đồng/kg.
Sau khi trừ chi phí đầu tư dao động trong khoản 10 đến 15 triệu đồng/1.000 m2/18 tháng, doanh thu của 1 ha chanh của HTX từ 18 tháng đến dưới 36 tháng đạt khoảng từ 200 – 250 triệu đồng/ha/năm, đối với một số diện tích từ 3 năm tuổi trở lên đạt 350 – 450 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phan Đức Tài, Giám đốc HTX Thành Chí, cho biết hiện nay mỗi tháng HTX xuất khẩu chanh không hạt sang thị trường Hà Lan với sản lượng từ 30 đến 70 tấn. Con số này chưa đạt đến 50% sản lượng cung cấp chanh theo hợp đồng giữa HTX và phía công ty thu mua.
Theo ước tính của HTX thì từ năm 2024 trở đi, khi những diện tích trồng chanh của các thành viên HTX thu hoạch trái ổn định thì mới có thể mong đáp ứng đủ. Trong trường hợp đã cung ứng đủ số lượng chanh theo hợp đồng với công ty thu mua, nếu sản lượng chanh vượt nhiều hơn thì HTX ngoài việc thu mua chanh cho bà con với giá ban đầu, còn hỗ trợ thêm 500 đồng/kg chanh khuyến khích bà con tăng gia sản xuất để vụ sau đạt sản lượng cao hơn.
Hiện nay vấn đề đầu ra không còn quá khó, tiềm năng rất lớn, sản lượng không đủ cung ứng nên HTX Thành Chí đang vận động thành viên mở rộng diện tích trồng chanh, đồng thời kết nạp thêm thành viên mới, mở rộng sang các huyện lân cận trong tỉnh Trà Vinh như Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải và Trà Cú nhằm tăng diện tích trồng chanh không hạt.
Là một thành viên của HTX, anh Tạ Quốc Huy ở ấp Trà On, xã Huyền Hội, cho biết với hơn 200 gốc chanh trồng trên diện tích 5.500 mét vuông, trung bình mỗi năm anh Huy thu hoạch trên 30 tấn chanh, lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/năm.
Theo anh Huy, hơn 2 năm qua anh có thu nhập ổn định và kinh tế khá hơn nhờ chuyển đổi từ canh tác lúa (vốn có năng suất thấp nên thường bị thua lỗ) sang trồng chanh không hạt.
Chuyển biến trồng trọt giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo
Từ ngày bén duyên với cây chanh, được HTX Thành Chí hỗ trợ quy trình kỹ thuật, lại được bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, đảm bảo giá cao hơn thị trường bên ngoài, nên 2 năm qua anh Huy an tâm sản xuất, dồn hết tâm huyết cho vườn chanh, năng suất vụ sau cao hơn vụ trước. Từ đó thu nhập của gia đình cũng khá hơn rất nhiều.
Sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới cách đây 3 năm thì huyện Càng Long đang hướng tới mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. |
“Trung bình mỗi cây chanh cho năng suất 150kg/năm. Giá bán thấp nhất ở vụ thuận là 10 ngàn đồng/kg và thấp nhất ở vụ nghịch là từ 20 đến 25 ngàn đồng/kg và có thể cao hơn tuỳ thời điểm nhưng HTX luôn đảm bảo thu mua chanh cho bà con cao hơn giá thị trường 3 ngàn đồng/kg”, anh Huy chia sẻ.
Nhờ hoạt động hiệu quả của HTX Thành Chí đã giúp cho xã Huyền Hội duy trì và giữ vững các tiêu chí xã nông thôn mới cũng như hướng tới mục tiêu đạt xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới cách đây 3 năm, trong mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, tính đến tháng 10/2023, huyện Càng Long đã có 13/13 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 7/13 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện tại huyện vẫn đang giữ vững 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Đây là nỗ lực rất lớn của huyện Càng Long - một huyện có đông đồng bào Khmer chiếm 2/3 dân số huyện và từng là một trong những huyện nghèo, có nhiều khó khăn của tỉnh Trà Vinh.
Nhờ có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế hợp tác đã và đang giúp huyện này giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Nếu năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo ở huyện chiếm đến 42,4% thì đến năm 2015 giảm còn 27,43%. Còn tính đến năm 2023 này thì số hộ nghèo ở huyện chỉ còn 270 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,68%; hộ cận nghèo giảm 304 hộ, hiện còn 1.349 hộ nghèo, chiếm 3,43% số hộ trên địa bàn.
Để tiếp tục tiến bước trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và giúp người dân địa phương thoát nghèo bền vững, trong phát triển kinh tế nông nghiệp, chính quyền huyện Càng Long đã xác định phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, phát huy thế mạnh các ngành và từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, HTX nông nghiệp. Cùng với đó, huyện cũng phát triển các vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Điều này cũng thấy rõ trong lĩnh vực trồng trọt với tổng giá trị hiện 2.775 tỷ đồng, chiếm 75% giá trị ngành nông nghiệp của huyện Càng Long. Nhất là đang có sự chuyển biến mạnh về cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất. Huyện đã từng bước hình thành một số vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng có quy mô lớn với vai trò đắc lực của các HTX nhằm giúp cho bà con nông dân nâng cao thu nhập, không còn chịu cảnh nghèo khó như trước.
Thanh Loan