HTX thuyền thúng với nòng cốt là những người trẻ từ 18 - 40 tuổi do "lão ngư" Lê Minh Quang (60 tuổi) làm "thủ lĩnh" những năm gần đây hoạt động ngày càng hiệu quả, trở thành một điển hình tại địa phương
Từ những cạnh tranh không lành mạnh
"lão ngư" Lê Minh Quang kể, cách đây 5 năm, du lịch Lý Sơn bắt đầu nổi lên, ông là một trong số rất ít người đầu tiên gắn bó từ nghề đi thúng gần bờ nhận được những lời đề nghị của du khách đưa họ đi ngắm san hô.
Đảo Bé được biết đến là nơi có những rặng san hô tuyệt đẹp (Ảnh: TL) |
Sau vài tháng, nhiều du khách thích thú cập nhật thông tin lên mạng. Dần dần nhiều người biết đến ở đảo Bé Lý Sơn có đi thúng lặn ngắm san hô. Nhiều ngư dân ở đảo sau đó cũng bắt đầu làm theo. Người dân ở đây bắt đầu có thêm nghề chèo thúng dẫn khách đi tham quan bờ biển, lặn ngắm san hô.
Tuy nhiên, người dân đảo Bé chung nghề chở du khách lặn ngắm san hô nhưng mạnh ai nấy làm. Khi những chiếc ca nô đầu tiên chở khách từ đảo Lớn sang tới cầu cảng cũng là lúc cuộc cãi vã nổ ra. Họ bắt đầu chèo kéo rồi cãi cự khi người này cho rằng người kia cướp khách của mình.
“May mà giọng Lý Sơn khó nghe, du khách không hiểu là mình đang cãi nhau chuyện gì, chớ không họ cười chết”, anh Nguyễn Văn Duyên (22 tuổi), thành viên HTX nói.
Lo sợ để lại những ấn tượng không đẹp trong mắt du khách và thay đổi thực trạng này, địa phương đã tạo điều kiện để những người như ông Quang có một HTX hoạt động theo đội, nhóm chuyên nghiệp. HTX thuyền thúng lặn ngắm san hô ra đời, ngày càng hoạt động chuyên nghiệp hơn.
Ông Quang chia sẻ: “Từ chỗ có 5-10 người cùng tham gia thì đến nay đội thúng đã có khoảng 64 người. Ai cũng là “kình ngư” trên đảo, có sức khỏe và quan trọng hơn cả là yêu đảo, yêu nghề. Đặc biệt, phải chân chất và trung thực thì mới gắn bó lâu dài với anh em trong đội cũng như để lại ấn tượng đẹp cho du khách. Nếu không đáp ứng các yêu cầu, đội sẽ cho “gác mái chèo””.
Công bằng - "bí quyết" của thành công của HTX
Tất cả các thành viên HTX đều phải trải qua lớp tập huấn ở xã, ở huyện về công tác y tế, cách làm du lịch để đảm bảo an toàn và phục vụ chuyên nghiệp hơn cho du khách. Vì là một công việc đặc biệt nên ưu tiên người có độ tuổi từ 25- 35 tuổi .
HTX thuyền thúng lặn ngắm san hô làm việc rất chuyên nghiệp, khác xa trước đây (Ảnh: TL) |
Khác với những hình thức kinh doanh khác, loại hình dịch vụ ở đảo Bé chiếm phần lớn là những ngư dân từng bám biển mưu sinh. Không có nhiều kiến thức kinh doanh nhưng họ biết cách làm ăn với luật lệ rõ ràng.
Mỗi du khách đi lặn ngắm san hô sẽ trả 80.000 - 120.000 đồng tùy lựa chọn điểm lặn san hô xa hay gần. Đó là giá chung đã được niêm yết mà các thành viên HTX buộc phải chấp hành.
Từ khi mới lớn lên, vì hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện làm chủ, anh Trần Ty, 35 tuổi thường theo các thuyền lớn đi bạn. Công việc không phải lúc nào cũng như ý muốn. Do từng có thời gian dài đi thúng câu mực nơi đảo xa, anh được ưu ái cho vào đội ngay. Giờ đây cuộc sống ngày càng ổn định hơn.
Anh Ty cho biết, HTX hoạt động chuyên nghiệp, tài sản và công sức mọi người bỏ ra ngang nhau, lợi nhuận thu về được chia đều. Nếu ngày hôm nay 30 thúng đi thì số còn lại đi ngày hôm sau. Dù ngày đó đi hay không thì ai cũng đều được nhận thù lao.
“Vào mùa du lịch, nhất là vào ngày lễ, dịp cuối tuần... ai cũng kiếm được trung bình khoảng 500.000 đồng/ngày, có khi khá hơn. Còn ngày thường “bỏ túi” cũng ít nhất 200.000 đồng/ngày”, anh Ty phấn khởi.
Vừa qua, dịch Covid- 19 bùng phát, du lịch trên đảo gặp khó khăn. Dịp lễ ngày 30/4- 1/5 đến nay, mỗi ngày họ cũng chỉ kiếm được 70.000 đồng do lượng khách giảm nhiều.
Trước những khó khăn chung, mỗi thành viên đều không nản lòng. Họ cố gắng sống với nghề bằng cả tình yêu biển đảo, từng bước cùng với địa phương phục hồi du lịch trở lại như trước.
Nhật Nam