Hiện nay, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường hàng ngày là một con số đáng báo động. Tại Quảng Ngãi, nhiều cảng biển; khu dân cư; thậm chí ở đô thị rác thải vứt không đúng nơi quy định, không có hướng xử lý dẫn đến tồn đọng mất cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường.
Phát triển du lịch cộng đồng
Gò Cỏ được đánh giá là báu vật của tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa - địa chất để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh.
![]() |
Gò Cỏ giữ những nét hoang sơ, bình dị (Ảnh: TL) |
Người dân nơi đây sống bình lặng với những chiếc thuyền nhỏ đánh cá gần bờ. Tre làng tươi tốt quanh năm cho người làng nghề đan lát. Tre thành nan đan thuyền, đan thúng, đan nong nia, rổ rá,… Sau một ngày làm lụng, đánh bắt trở về bãi, người dân tụ tập để nghe điệu hát sắc bùa, hát đối, bài chòi. Không chỉ vậy, Gò Cỏ còn nổi tiếng vì những công trình đá lâu đời còn lưu lại.
Sở hữu những thắng cảnh nguyên sơ, bình dị cùng di tích lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa và văn hóa Việt và người dân nơi đây vẫn giữ phương thức sản xuất và nét canh tác lâu đời truyền thống. Đây chính là những tiềm năng để Gò Cỏ phát triển du lịch cộng đồng.
Tháng 4/2019, HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ (thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) được thành lập với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của làng Gò Cỏ.
Theo ông Đoàn Sung, Chủ tịch HTX làng Gò Cỏ: Làng đã đón nhiều sinh viên ngành du lịch – môi trường của các trường đại học ở Đà Nẵng, TP.HCM, đặc biệt là nhóm sinh viên đến từ Nhật Bản, Mỹ. Họ đến để chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch và nghe làng Gò Cỏ kể chuyện muôn xưa. Và khi đi, mỗi người trong số họ đều mang theo những nét độc đáo của làng ra với cộng đồng.
HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ thống nhất phương án “giữ nguyên hiện trạng”. Ngoài câu lạc bộ diễn xướng dân gian làm mê hoặc du khách, giờ làng du lịch cổ Gò Cỏ đang có thêm đội thuyền thúng tuyển chọn từ những ngư dân giàu kinh nghiệm sông nước.
Bên cạnh đó, đội đan lát truyền thống đang hình thành sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch làm từ tre, nứa. Về ẩm thực, ông Huỳnh Bộ, chủ một cơ sở homestay, cho biết vùng biển Gò Cỏ trong lành nên nhum, hàu, rạm, cua, tôm, cá mực ngon không đâu bằng.
Ông Đoàn Dung cho biết thêm: “HTX được thành lập hướng tới du lịch cộng đồng, dựa trên năng lực sẵn có tại làng. Làng chia làm 3 nhóm bao gồm: 10 hộ homestay, 20 hộ làm biển vào đội thuyền thúng và CLB bài chòi”.
Nhân rộng mô hình "làng không rác"
Sau thời gian khảo sát, đánh giá tính phù hợp của dự án với địa phương, tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment – PE) đã phê duyệt hồ sơ dự án và ký kết hợp đồng ghi nhớ với HTX du lịch cộng đồng Gò Cỏ trong việc triển khai thực hiện dự án “Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt làng Gò Cỏ”.
![]() |
Những hộ dân làng Gò Cỏ được cung cấp bộ thùng rác và giỏ cói (Ảnh: TL) |
Ngày 11/10/ 2019, UBND xã Phổ Thạnh và HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ tổ chức Hội nghị triển khai dự án “Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt làng Gò Cỏ”. Dự án được tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tài trợ với tổng giá trị 10.000 USD. Đây là dự án tài trợ trang thiết bị và chuyển giao kỹ thuật sử dụng vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài không hoàn lại.
Theo đó, dự án hướng đến mục tiêu có trên 50% hộ gia đình ở Gò Cỏ thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn, làm phân vi sinh; hướng đến việc cộng đồng người dân tại khu vực làng Gò Cỏ “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, tạo mô hình nhân rộng về “làng không rác”. Định hướng làng Gò Cỏ tự cung tự cấp lượng phân hữu cơ phục vụ trồng trọt tại địa phương.
69 hộ dân nằm trong dự án được tập huấn kiến thức, cung cấp bộ thùng rác (xanh, vàng, đen) tại nhà và giám sát phân loại rác tại nguồn nhằm xử lý hiệu quả rác thải sinh hoạt hàng ngày, giảm tối thiểu lượng rác không phân hủy ra môi trường
Với mục đích lan tỏa thông điệp “Nói không với rác thải nhựa”, không sử dụng bao bì nilong, cái loại đồ nhựa dùng một lần, Hội Phụ nữ xã Phổ Thạnh đã phối hợp với nhà tài trợ Công ty TNHH MTV SUNGCO tặng 100 giỏ cói cho hội viên Hội Phụ nữ thôn Long Thạnh 2 (xã Phổ Thạnh) để làm dụng cụ đựng đồ thay cho túi ni lông khi đi chợ hàng ngày.
Ông Guy Martini - Tổng thư ký mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO tặng 75 triệu đồng cho làng Gò Cỏ để thực hiện hoạt động chụp ảnh, truyền thông về giá trị di sản làng Gò Cỏ.
Ngọc Giang