Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên chia sẻ, Hà Nội đặt mục tiêu giảm từ 25-30% số hộ nghèo hàng năm. Phấn đấu đến cuối năm 2025, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, giảm 10% số hộ cận nghèo hàng năm. Tổng kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2022-2025 được phê duyệt dự kiến là 1.587 tỷ đồng.
Phát triển mô hình HTX là hướng đi đúng đắn
Đến nay, công tác xóa đói giảm nghèo của Hà Nội đã có nhiều kết quả tích cực. Tính đến tháng 6/2022, Thành phố có thêm 5 quận, huyện không còn hộ nghèo, nâng số địa phương không còn hộ nghèo của lên 19/30 quận, huyện. Theo thống kê, Hà Nội hiện chỉ còn 3.612 hộ nghèo và 30.176 hộ cận nghèo.
Nhiều HTX ở Hà Nội làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn thành viên, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. |
Các HTX đã chủ động, phát huy nội lực, đổi mới phương thức hoạt động, mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm nhiều ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút lao động, giải quyết việc làm, tăng thêm sản phẩm tiêu dùng, xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định trật tự xã hội và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều HTX đã giải quyết việc làm, có tích lũy để đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn theo hướng tích cực. Một số HTX đã chủ động vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên và người dân, khẳng định vai trò, vị thế và sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể.
“Thành phố đặt mục tiêu hằng năm sẽ vận động, hướng dẫn thành lập mới khoảng 100 tổ hợp tác, 100 HTX, nâng tổng số HTX đến năm 2025 là hơn 2.600 HTX, đến năm 2030 là gần 3.000 HTX. Trong đó, phấn đấu ít nhất 80% HTX hoạt động đạt loại tốt, khá, đạt doanh thu bình quân 3,525 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động từ 5-7 triệu đồng/người/tháng”, ông Phạm Quí Tiên cho biết.
Theo đánh giá của Liên minh HTX Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố đã có gần 2.500 HTX và quỹ tín dụng nhân dân. Các HTX, liên hiệp HTX thành lập mới đã ổn định tổ chức bộ máy, tích cực triển khai các dịch vụ cung ứng cho thành viên, liên kết hợp tác trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, bước đầu tạo việc làm, thu nhập cho thành viên và người lao động.
Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào GRDP mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Tiêu biểu như HTX Cuối Quý, HTX Hoa lan Đan Hoài, huyện Đan Phượng; HTX Công nghệ cao Thăng Long; HTX Rau củ quả Hồng Thái, huyện Phú Xuyên; HTX Sông Hồng, huyện Đông Anh; HTX Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm…
Ông Quách Phúc Vinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Mãn, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai chia sẻ, ngay từ ban đầu, HTX xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, HTX đã vận động bà con thành viên xây dựng bờ bao khép kín kết hợp xây dựng hệ thống giao thông kiên cố, giúp cho hệ thống thủy lợi được hoàn chỉnh, ổn định sản xuất. Hơn nữa, HTX còn góp vốn tổ chức các dịch vụ ngành nghề kinh doanh như nuôi bò sinh sản, nuôi gà thả đồi… phục vụ hỗ trợ thành viên nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, tham gia xóa đói giảm nghèo.
Ngoài thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, HTX còn giúp bà con thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào như dịch vụ bơm tưới tiêu, dịch vụ thu hoạch, dịch vụ sấy, dịch vụ sản xuất giống để cung cấp lúa giống cho thành viên.
Bên cạnh đó, HTX còn vận động bà con cải tạo vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái và các loại hoa màu phụ ngắn ngày có giá trị kinh tế.
Đồng hành cùng người dân vượt khó
Từ những kết quả đạt được có thể thấy, kinh tế hộ gia đình, HTX đang được phát triển đúng hướng, phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta, vừa khuyến khích kinh tế cộng đồng thành viên HTX, vừa tôn trọng và nâng cao vị thế kinh tế hộ thành viên.
HTX còn giúp bà con thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thu nhập ổn định cho thành viên. |
Một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trong thu hút thành viên, tạo việc làm cho lao động nông thôn là HTX Tâm Ngọc, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn đã dành rất nhiều tâm sức để trồng cây dược liệu, cây ăn quả trên diện tích 13ha, tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo sinh kế ổn định cho thành viên và người lao động.
Chị Trần Thị Thuần, Giám đốc HTX chia sẻ, nhờ sự nỗ lực vượt mọi khó khăn, HTX quyết định chọn những giống cây thảo dược như cà gai leo, cỏ ngọt, đinh lăng nếp, dã cam thảo… để làm sinh kế cho các thành viên trong HTX.
Hiện tại, 41 thành viên của HTX dù có hoàn cảnh và khuyết tật khác nhau, người thì khuyết chân, người thiếu tay, người khiếm thính…, nhưng tất cả đều được sắp xếp công việc phù hợp với khả năng và sức khoẻ, để ai cũng thấy mình còn có ích cho gia đình và xã hội. HTX không nhận bất kỳ khoản chi phí nào từ phía gia đình người khuyết tật.
Nhờ sự nỗ lực của bản thân mỗi thành viên, cộng hưởng với sự quan tâm, chia sẻ của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, thu nhập của thành viên HTX Tâm Ngọc đạt trung bình từ 4,5 - 10 triệu đồng/người/tháng, nhiều gia đình đã thoát khỏi diện hộ nghèo trong xã.
“Điều tôi tâm đắc nhất là các diện tích sản xuất cây dược liệu của HTX đã được cấp chứng nhận hữu cơ. Các sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ thuận tự nhiên, áp dụng công nghệ sấy lạnh giúp giữ nguyên được hình dạng, màu sắc, giá trị dinh dưỡng, và đặc biệt là vẫn đảm bảo được dược tính của thảo dược. Đồng thời, HTX đang phát triển thêm các loại cây thảo dược có giá trị kinh tế cao như trà hoa vàng, đinh lăng hoa vàng… để tạo thêm nhiều việc làm, hỗ trợ nhiều người khuyết tật hơn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống thành viên”, chị Thuần chia sẻ.
Kim Yến