Trong cơ chế thị trường, nhiều HTX tại Phú Thọ đang đóng vai trò “đứng mũi chịu sào”, đại diện cho các thành viên ký hợp đồng sản xuất bao tiêu với doanh nghiệp, chịu trách nhiệm giám sát, tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm.
Sau chuyển đổi, các HTX kiểu mới hoạt động với tôn chỉ đem lại lợi ích cao nhất cho thành viên thông qua việc cam kết hỗ trợ về vốn đầu tư, cung ứng dịch vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Để đáp ứng nhu cầu của thành viên, các HTX trên địa bàn tỉnh đã đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, chú trọng thiết lập mối liên kết sản xuất, kinh doanh.
Việc liên kết sản xuất là yêu cầu tất yếu, phù hợp với quy mô, tính chất cạnh tranh của thị trường, tạo chuỗi giá trị sản phẩm theo chiều tăng dần, bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ. Sự kết hợp giữa HTX với nông dân và doanh nghiệp góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân và hạn chế tình trạng thương lái ép giá.
Sự hiệu quả của các HTX trong vai trò tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là một trong những nhân tố chính giúp ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ chấm dứt “điệp khúc” được mùa mất giá, giảm thiểu tình trạng sản xuất tự phát.
Các HTX tại Phú Thọ đang làm tốt vai trò kết nối cung - cầu, giảm tình trạng được mùa mất giá cho người nông dân |
Có thể kể đến HTX dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn Tứ Xã (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao), hiện đang là "mái nhà chung" cho 60 hộ thành viên. HTX đang sản xuất rau an toàn trên tổng diện tích gần 4ha, theo kế hoạch đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích lên hơn 20ha.
Để phát triển sản xuất, HTX đã năng động trong tìm đầu ra cho sản phẩm, phối hợp tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm rau an toàn Tứ Xã tới nhiều hệ thống siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể... Qua hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, HTX đã ký kết hợp đồng cung ứng các sản phẩm rau an toàn với một số nhà hàng trên địa bàn huyện Lâm Thao và TP Việt Trì; cung cấp rau cho công ty VinEco.
Hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động trong liên kết sản xuất, tiêu thụ đã giúp HTX Tứ Xã nâng cao giá trị sản phẩm lên gấp 2 lần, hình thành mối liên kết giữa người sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị cùng đảm bảo chất lượng, đầu ra ổn định.
Hoạt động trên phạm vi toàn xã, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đông Thành (huyện Thanh Ba) đang thu hút 647 hộ tham gia làm thành viên, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần tạo chuyển biến kinh tế - xã hội tại địa phương.
Năm 2015, HTX Đông Thành chính thức chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Đến nay, HTX đã gây dựng được nguồn quỹ lên đến 3 tỷ đồng để cho thành viên vay vốn phát triển kinh tế.
Huyện Yên Lập đang là “điểm sáng” kinh tế tập thể tỉnh Phú Thọ, với 24 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đang thực hiện tốt vai trò đảm bảo các dịch vụ đầu vào trong sản xuất, một số HTX đã hình thành mối liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho thành viên, hộ liên kết.
Điển hình như HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lung đang thực hiện tốt việc quảng bá thương hiệu, thu mua sản phẩm cho thành viên; HTX sản xuất kinh doanh chè Lương Sơn ký hợp đồng bán sản phẩm chè búp tươi với công ty chè Phú Hà, giúp đầu ra ổn định…
Rõ ràng, khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là các HTX kiểu mới đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ. Để tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các HTX, Phú Thọ đang đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện mô hình các HTX kiểu mới; tăng cường hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực quản trị, xây dựng và quảng bá thương hiệu, duy trì quan hệ đối tác.
Nhật Minh