Đến nay, đã có 9/9 xã của huyện Hồng Ngự hoàn thành các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, điện nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư.
Chuyển biến sâu sắc
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các hoạt động phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân được huyện Hồng Ngự đặc biệt quan tâm, với sự chú trọng vào nhiều ngành hàng chủ lực.
Diện mạo nông thôn huyện Hồng Ngự ngày càng khởi sắc (Ảnh: TL) |
Đơn cử, đối với ngành hàng lúa - gạo, tỷ lệ bao phủ diện tích gieo trồng hàng năm của huyện hiện đạt 85 - 100%. Hoạt động sản xuất với sự đồng hành của HTX đã chủ động từ khâu tổ chức liên kết tiêu thụ và đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân giảm giá thành, tăng lợi nhuận.
Bà Trần Thị Tiền, xã Thường Lạc chia sẻ, nông thôn mới đang thay đổi hoàn toàn bộ mặt kinh tế, xã hội, hạ tầng tại địa phương. Điển hình như những con đường chính của xã thường xuyên gặp tình trạng hư hỏng, nhiều ổ voi, ổ gà, khiến việc đi lại rất khó khăn, nay đã được khắc phục hoàn toàn.
“Tôi còn nhớ mỗi lần ra huyện làm giấy tờ là mỗi lần ngao ngán. Sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, đường sá thông thoáng. Các tuyến đường trong xã giờ toàn là đường đan, đường nhựa. Ban đêm đèn sáng, rồi camera đầy đường, khỏi lo trộm cắp...”, bà Tiền phấn khởi nói.
Về nông nghiệp, cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, tăng dần diện tích cây ăn trái.
Diện tích cây ăn trái có giá trị kinh tế cao cũng được huyện quan tâm phát triển tăng dần theo từng năm, đến cuối năm 2019 đạt 322,16ha, trong đó chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng cây ăn trái 78,16ha, gồm các loại cây cây có múi, xoài, dừa, nhãn...
Diện tích sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày được duy trì và phát triển bình quân hàng năm 1.545,4ha tập trung vào một số cây trồng như bắp, mè, đậu các loại.
Nâng cao chất lượng sống
Trong sự chuyển biến chung, nhờ được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với sự tự chủ, nỗ lực vươn lên của các HTX, khu vực kinh tế hợp tác của huyện Hồng Ngự đã từng bước được củng cố.
Tính đến tháng 7/2020, toàn huyện có 13 HTX đang hoạt động, trong đó có 12 HTX nông nghiệp và 1 HTX tiểu thủ công nghiệp.
Huyện đang xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm (Ảnh: TL) |
Kinh tế hợp tác của Hồng Ngự đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm... cho nông dân, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của huyện.
Cùng với hiệu quả của khu vực HTX, các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được huyện duy trì và mở rộng như: áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, cánh đồng hiện đại, mô hình giảm giá thành, sản xuất lúa bằng phương pháp cấy máy, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sản xuất lúa theo hướng an toàn.
Điển hình như dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT, toàn huyện có 5 HTX tham gia tại các xã Thường Phước 1, thị trấn Thường Thới Tiền, xã Thường Lạc.
Rau an toàn cũng đang là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích sản xuất rau an toàn bình quân hàng năm của huyện đạt 160ha, trong đó 13,7ha sản xuất theo hướng VietGAP tại HTX sản xuất rau củ an toàn.
Trong năm 2020, Hồng Ngự tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu cao trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các chính sách phát triển HTX, nâng cao hiệu quả nông nghiệp, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân sẽ vẫn sẽ được huyện chú trọng.
Nhật Minh