HTX đang gặt hái thành công nhờ nông nghiệp sạch |
Phát triển sản xuất
Tuyên Hóa là một huyện miền núi với trên 80% dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Những năm qua, cùng với sự phát triển của thị trường, nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu có hiệu quả kinh tế cao, chú trọng bảo vệ môi trường được hình thành trên địa bàn huyện.
Một trong những điển hình nổi bật nhất là mô hình sản xuất nông sản sạch trong nhà kính của anh Nguyễn Văn Tấn. Nhờ chú trọng khoa học – kỹ thuật, bảo vệ môi trường, mô hình của anh đang cho hiệu quả rất cao, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tại địa phương.
Anh Tấn xuất phát là một kỹ sư nông nghiệp, tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm từ các công việc làm thuê, năm 2017, anh Tấn quyết định tự mình khởi nghiệp bằng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao.
Ban đầu, để đáp ứng nhu cầu sản xuất sạch, anh Tấn đã đầu tư hơn 600 triệu để hoàn thiện hệ thống nhà kính hơn rộng hơn 1.000 m2. Sau 2 năm gặt hái thành công, năm 2019, anh tiếp tục đầu tư thêm 650 triệu đồng để xây dựng thêm 1.000 m2 nhà kính, nâng tổng diện tích nhà kính lên 2.000 m2.
“Sản xuất trong nhà kính giúp tôi linh hoạt thời vụ, đa dạng các loại nông sản. Không chỉ dưa lưới, hiện tôi đã nhân rộng ra các loại cây mới như dưa chuột, mướp đắng… Năng suất, chất lượng của sản phẩm được đảm bảo nên giá bán cũng cao hơn”, anh Tấn chia sẻ.
Đặc biệt, hệ thống nhà kính giúp anh Tấn giảm thiểu tối đa lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất.
Nhờ sản xuất sạch, sản phẩm của HTX có chất lượng vượt trội |
Vươn tầm với HTX
Nhờ sản xuất khoa học, mô hình dưa lưới của anh Nguyễn Văn Tấn đang cho lợi nhuận trên 250 triệu đồng/năm. Với dưa chuột và mướp đắng, với sản lượng bình quân 3 tấn/vụ mướp, 2,5 tấn/vụ dưa, anh Tấn dự kiến thu về 140 - 150 triệu đồng/vụ. Hiện, mô hình đang tạo việc làm cho 7 lao động.
Không chỉ tự phát triển, tháng 4/207, anh đã đứng ra thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc Quảng Bình, tổ chức liên kết 25 hộ sản xuất trên địa bàn. Liên kết với HTX, các hộ được hỗ trợ tối đa về vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, kiến thức về an toàn thực phẩm...
“Để nâng cao hiệu quả, các hộ thành viên đều được tập huấn kỹ thuật sản xuất hữu cơ, cách sử dụng phân bón hiệu quả, nói không với hóa chất độc hại, qua đó đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”, anh Tấn cho hay.
Năm 2019, bên cạnh các loại rau quả hữu cơ, anh Tấn cùng các thành viên HTX còn phát triển thêm mô hình trồng hoa. Hiện, anh Tấn đang phát triển thành công hơn 1,5 vạn gốc hoa cúc, 1.500 gốc hoa ly và sắp tới là hơn 3.000 m2 trồng hoa hướng dương.
Giống như trồng rau củ, 100% diện tích hoa của anh Tấn và thành viên HTX đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, chú trọng khoa học – kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Trong năm 2020, anh Tấn dự kiến mở rộng gấp đôi mô hình sản xuất, tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của HTX, đồng thời mở rộng liên kết, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ mới, kỹ thuật sản xuất sạch cho các hộ sản xuất trên địa bàn.
Phượng Vỹ