Các sản phẩm chủ đạo anh kiên đang phát triển đều là những sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Hiện anh Kiên là chủ nhân của mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long đồng thời cũng là người đứng đầu HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiên Cà.
Gian nan thủa ban đầu
Để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, bản thân anh Kiên đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm trong quá trình khởi nghiệp. Xuất thân từ sinh viên trường Đại học Nông nghiệp 1, với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, Kiên đã bôn ba lập nghiệp bằng đủ thứ nghề như làm tiếp thị cám, kinh doanh cây trồng, thức ăn chăn nuôi, rồi men tiêu hóa cho vật nuôi… Bản thân cũng đã từng khởi nghiệp qua rất nhiều mô hình khác nhau nhưng vẫn chưa thành công.
“Nhớ lại mỗi khi mình uống rượu say, mẹ thường đun cây cà gai leo để giải độc gan nên tôi đã tìm hiểu và biết được loài cây này có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người. Từ đó, tôi có ý chuyển hướng trồng cây cà gai leo và một số loại dược liệu”, anh Kiên chia sẻ.
Anh Phan Trung Kiên đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình khởi nghiệp với sản phẩm cà gai leo. (Ảnh Lê Mạnh) |
Chia sẻ với phóng viên Vnbusiness anh kiên nói: “Thời điểm đầu thu hoạch, giá thu mua dược liệu khá cao vì trong khi trồng cà gai leo rất đơn giản, chỉ cần thu hoạch, làm sạch, cắt ngắn, phơi khô là đã bán được với giá thành lên tới 100 nghìn/1kg. Nắm bắt được cơ hội làm giàu, gia đình tôi dần mở rộng diện tích trồng, vay mượn thêm nguồn kinh tế từ bạn bè, người thân để đầu tư, mở rộng diện tích cây trồng”.
Tuy nhiên, trong kinh doanh, mọi chuyện không lúc nào cũng thuận lợi, dễ dàng. Mở rộng diện tích trồng cà gai leo đến héc ta thứ 15 thì bắt đầu giá thu mua xuống chỉ còn 15 nghìn đồng/kg. Giá rớt, nếu bán rẻ quá thì không đủ công thu, trả nợ. Xoay sở tìm đầu ra cho nguồn dược liệu, cuối cùng anh quyết định chuyển hướng, tự đăng lên mạng xã hội để bán. Rất may, sản phẩm cà gai leo phơi khô được nhiều người mua về sử dụng nên giúp anh thu hồi được phần nào vốn bỏ ra. Tuy nhiên, vì vùng nguyên liệu quá lớn nên anh nghĩ phải thành lập Công ty Cổ phần Nông nghiệp CNC Thăng Long để chế biến dược liệu thành trà, viên nén, viên nang để bán dần.
Công nhân tại nhà máy đóng túi sản phẩm trà cà gai leo sadu. (Ảnh Lê Mạnh) |
“Ban đầu cứ nghĩ làm trà khó lắm vì nhiều người cho rằng phải kết hợp nhiều vị với nhau. Nhưng đích thân đi tìm hiểu và tham khảo các ý kiến chuyên gia cũng như nhà khoa học thì mới hiểu rõ, chỉ cần một mình cà gai leo là đã có tác dụng hỗ trợ cho những người có bệnh lý về gan rồi, nên tôi chỉ xao lên và đóng túi lọc để người tiêu dùng dễ sử dụng” – Anh Kiên chia sẻ.
May mắn là, dù chỉ bán qua trang mạng xã hội cá nhân, nhưng các sản phẩm cà gai leo được nhiều người tin dùng. Những năm 2015, 2016, 2017 là thời gian cao điểm nhất, có những ngày anh Kiên bán được mấy tạ rồi tăng dần lên cả tấn dược liệu. Nhận thấy thời cơ đã chín, anh tiếp tục vay vốn đầu tư dây chuyền để sản xuất trà túi lọc nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thành quả là đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã có nhiều sản phẩm chế biến từ cà gai leo và các cây dược liệu quý của Việt Nam, được đăng ký nhãn hiệu rõ ràng, tiêu thụ mạnh, cho doanh thu cả tỷ đồng/năm. Các sản phẩm tiêu biểu gồm: Trà túi lọc cà gai leo Sadu, trà túi lọc hoàn ngọc, trà túi lọc mật gấu dây thìa canh, trà túi lọc đinh lăng, trà gừng túi lọc, trà túi lọc xạ đen la hán quả, trà túi lọc dây đau xương…
Dấu ấn trong phát triển kinh tế tuần hoàn
Mở rộng sản xuất cà gai leo và các loại thảo dược quý cũng đồng nghĩa với các chế phẩm sau khi đưa vào sản xuất cũng còn nhiều. Từ đó anh Kiên đã nghiên cứu và phát triển mô hình nuôi gà lấy trứng với số lượng hơn 5.000 con gà trắng Ai Cập.
Theo đó, anh nuôi gà không bằng cám công nghiệp mà thực hiện theo phương châm ba không: Không cám công nghiệp, không sử dụng kháng sinh và không dùng chất kích thích. Thức ăn của gà trong trang trại do công nhân tự phối trộn từ nguyên liệu gồm ngô tẻ đỏ Sơn La, cám gạo tươi miền Bắc, khô đậu tương và dầu ăn tiêu chuẩn cho người trộn với cà gai leo cùng hơn 10 loại thảo dược khác.
Sản phẩm trứng gà cà gai leo của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kiên Cà. (Ảnh: Lê Mạnh) |
Anh bảo, điểm mới trong quá trình nuôi gà của mình là không dùng kháng sinh, gà được ở trong nhà kín, nhiệt độ luôn được giữ ở mức từ 26-32 độ C và được ăn ngủ theo giờ. Gà còn được cho nghe nhạc, được ăn thức ăn trong đó bổ sung thành phần thảo dược cà gai leo để tăng cường chức năng gan, làm tăng năng suất và chất lượng trứng.
Kết quả đạt được sau hơn 2 năm áp dụng chăn nuôi gà bằng thảo dược, thương hiệu Trứng gà thảo dược cà gai leo Sadu” của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kiên Cà do anh Phan Trung Kiên đứng đầu đã được kiểm nghiệm, chứng nhận là thực phẩm sạch, an toàn đạt chuẩn VietGap. Đây cũng là sản phẩm OCOP 4 sao có mặt tại nhiều hội nghị lớn của quốc gia và TP Hà Nội.
Nhìn lại những chặng đường đã trải qua, anh Kiên xúc động: “Tôi rất cám ơn gia đình và những người bạn đã luôn tin tưởng và ủng hộ các ý tưởng khởi nghiệp của tôi. Luôn đồng hành cùng tôi trong những lúc tôi khó khăn nhất".
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, mô hình phát triển HTX nông nghiệp công nghệ cao của anh Phan Trung Kiên đã mở rộng thành 4 trang trại với gần 20 nghìn con gà và hơn 100 ha trồng cà gai leo và dược liệu ở khắp cả nước. Hàng năm gia đình anh có thu nhập ổn định, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 150 công nhân lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 5 - 8 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới anh Kiên cho biết, bên cạnh việc tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm dược liệu và trứng gà cà gai leo Sadu, anh sẽ tiếp tục mở rộng thị trường trong nước, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, đồng thời không ngừng học hỏi, trao đổi kiến thức để tạo ra những sản phẩm mới, phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Anh cũng dự định sẽ học hỏi các trang trại, mô hình tiên tiến với cách làm phong phú để vừa có thể mở rộng sản xuất, vừa đưa được những sản phẩma tốt nhất tới tay người tiêu dùng.
Thế Mạnh