Các mô hình nuôi heo tại Mỏ Cày Nam đang chú trọng phát triển theo hướng an toàn (Ảnh Tư liệu) |
Hành trình gian nan
Tháng 3/2019, nhãn hiệu “heo Mỏ Cày Nam” chính thức được Bộ Khoa học và Công Nghệ cấp bằng bảo hộ độc quyền sau nhiều năm nỗ lực xây dựng. Nhãn hiệu này được áp dụng đối với sản phẩm thịt heo tươi và heo giống ở Mỏ Cày Nam có giá trị trong vòng 10 năm
Nhãn hiệu “heo Mỏ Cày Nam” được bảo hộ độc quyền mở ra những cơ hội mới, giúp sản phẩm thịt heo và heo giống của huyện nâng khả năng định vị, không bị nhầm lẫn với các sản phẩm khác. Đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm như là một thế mạnh đặc trưng.
Để được cấp bằng bảo hộ chứng nhận nhãn hiệu, từ trước đó 2 năm, địa phương đã tiến hành các bước đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “heo Mỏ Cày Nam”. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện các tiêu chuẩn an toàn sinh học, đảm bảo ATLĐ, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Bé Chính (xã Cẩm Sơn) chia sẻ: “Về quy trình nuôi, các hộ sản xuất phải bố trí khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở khu tập trung dân cư, thường xuyên định kỳ tiêu độc khử trùng dụng cụ và khu vực chăn nuôi, đảm bảo ATLĐ...”.
Các trang trại phải nắm rõ nguồn gốc, tình trạng bệnh của đàn vật nuôi mới nhập, kiểm soát thức ăn chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi đưa vào trại; đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có sổ theo dõi quy trình sử dụng thức ăn và tiêm ngừa vắc-xin...
Đại diện UBND huyện cho hay chăn nuôi heo là hoạt động kinh tế chủ lực của người dân Mỏ Cày Nam từ nhiều thập kỷ qua. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ rất chú trọng công tác lai tạo, tuyển chọn giống chất lượng. Qua nhiều năm, con heo Mỏ Cày Nam đã có được chất lượng thịt với tỷ lệ nạc cao.
Chất lượng là chìa khóa giúp "heo Mỏ Cày Nam" vươn xa hơn trên thị trường (Ảnh TL) |
Nâng tầm thương hiệu
Được thành lập từ năm 2015, Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi heo VietGAP huyện Mỏ Cày Nam đang là điểm sáng trong phong trào chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn an toàn, chú trọng áp dụng khoa học – kỹ thuật để mang đến lợi ích về kinh tế, ATLĐ cho thành viên, hộ liên kết.
Anh Hồ Văn Truyền – thành viên THT nuôi heo VietGAP Mỏ Cày Nam, cho rằng để giữ vững và nâng tầm thương hiệu “heo Mỏ Cày Nam”, các hộ chăn nuôi tại địa phương cần phải có sự thay đổi lớn về tư duy sản xuất, đặc biệt là trong vấn đề vệ sinh thực phẩm và ATLĐ.
Theo đó, những năm qua, thành viên THT đã xây dựng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Toàn bộ quá trình chăn nuôi heo tại THT được thực hiện theo quy trình hữu cơ, công tác phòng, chống dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu.
Quy trình chăn nuôi được các thành viên của THT ghi chép đầy đủ trong sổ nhật ký (được cấp với mẫu sẵn với các mục rõ ràng, khoa học), các giai đoạn phát triển của lợn được theo dõi sát sao, đánh giá chi tiết.
Người chăn nuôi phải có quần áo, bảo hộ lao động sử dụng riêng trong khu vực chăn nuôi. Khi ra/vào khu vực chăn nuôi, các thành viên không những phải thay quần áo bảo hộ lao động mà còn phải khử trùng định kỳ để bảo đảm ATLĐ.
Hàng ngày, các thành viên đều thu gom chất thải rắn (phân, chất độn chuồng) đưa đến nơi tập trung để xử lý. Các chất này được xử lý bằng phương pháp ủ kết hợp chế phẩm sinh học để tăng hiệu quả. Định kỳ, HTX phun thuốc khử trùng để hạn chế mầm bệnh, bảo vệ sức khỏe của người và vật nuôi.
Những thành công của THT đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp các hộ chăn nuôi tại địa phương tin tưởng sản xuất theo quy trình VietGAP. Đây cũng là điểm tựa để huyện Mỏ Cày Nam tự tin giữ vững và nâng tầm thương hiệu “heo Mỏ Cày Nam”.
Nhật Minh