Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, HTX khi tham gia Chương trình OCOP là đã được nâng cao thêm một bước về đầu tư chất lượng sản phẩm, mẫu mã và cách quảng bá, tiếp cận thị trường. Đặc biệt, sau khi sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao, các HTX đã tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô nhà xưởng để nâng cao về số lượng, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cuộc sống ổn định cho thành viên.
Diện mạo mới từ OCOP
Không chỉ đẩy mạnh liên kết sản xuất, những năm qua, nhiều HTX đã chủ động, tích cực tham gia Chương trình OCOP, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tạo động lực cho các HTX phát triển.
HTX khi tham gia Chương trình OCOP là đã được nâng cao thêm một bước về chất lượng sản phẩm. |
Hà Nội là một thị trường tiềm năng để các tỉnh, thành phố đưa các sản phẩm, đặc sản vùng miền tới quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến giao thương, tiêu thụ. Do đó, cần có sự đồng bộ trong xúc tiến thương mại, tạo điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để xây dựng hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, thương hiệu OCOP Việt Nam.
“Chương trình OCOP thực sự là giải pháp quan trọng để TP. Hà Nội phát triển kinh tế tập thể, HTX theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Các sản phẩm OCOP của TP. Hà Nội đã và đang có những đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, từng bước cụ thể hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững”, ông Chí cho hay.
Tại HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín có diện tích canh tác 1,1ha, đã đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng, tưới phun tự động, kho lạnh, kho bảo quản, sơ chế rau, củ theo tiêu chuẩn VietGAP.
Giám đốc HTX Bùi Thị Thanh Hà cho biết, với 30 sản phẩm rau các loại được UBND TP. Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Mỗi ngày, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 300kg rau mầm và rau baby (rau thu hoạch non) như: Cải ngọt, cải mơ, cải bó xôi, xà lách... Doanh thu của HTX đạt 3 tỷ đồng/ha/năm và tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng, giúp họ ổn định cuộc sống.
“HTX đang tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và khoa học để nâng quy mô, chất lượng các sản phẩm rau. Hiện tại, HTX có khu trồng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2,1ha, trong đó đã lắp đặt được gần 8.500m2 nhà màng nông nghiệp, cùng với hệ thống tưới phun tự động; 2 kho nhà lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ”, Giám đốc Bùi Thị Thanh Hà thông tin.
Ông Từ Đức Mạnh, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Thường Tín đánh giá, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình OCOP của huyện đã đạt được nhiều kết quả mới, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản và các sản phẩm làng nghề truyền thống. Từ đó tăng thu nhập cho thành viên HTX và người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu đưa huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phát huy vai trò của HTX
Với việc đa dạng sản phẩm, các HTX trên địa bàn Hà Nội đã và đang khẳng định vai trò trong Chương trình OCOP nói riêng và phát triển kinh tế nông thôn nói chung.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, những năm qua, khu vực HTX đang không ngừng tăng lên về quy mô, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý điều hành HTX đã có sự chuyển biến tích cực.
OCOP HTX không chỉ nâng cao thu nhập người dân mà còn góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. |
Đã có nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả gắn với việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và quy trình thực hành nông nghiệp tốt.
Đặc biệt, một số HTX đã tích cực tham gia Chương trình OCOP và được công nhận, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Điển hình như HTX Ba Chữ, HTX Sông Hồng (Đông Anh), HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), HTX Cuối Quý (Đan Phượng), HTX Văn Đức (Gia Lâm), HTX Đông Cao (Mê Linh), HTX Chúc Sơn (Chương Mỹ)…
Là một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển sản phẩm OCOP của huyện Sóc Sơn, đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân có 20 sản phẩm được cấp sao. Với chứng nhận OCOP, sản phẩm của HTX đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, sản phẩm làm ra không đủ để cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng.
Giám đốc Hoàng Thị Hậu chia sẻ, HTX hiện có 26 nhóm tự quản trồng rau với tổng diện tích 34ha. Sản phẩm rau sạch đã nhận chứng nhận PGS (hệ thống giám sát cộng đồng nhằm đảm bảo chất lượng). Rau được sơ chế đóng gói đúng quy cách, bao bì có logo PGS, thông tin rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm.
Mỗi ngày HTX sản xuất khoảng 5 tấn rau củ quả các loại, phân phối rộng đến các gần 100 các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như: Rau sạch Sói Biển, Bác Tôm, Eximax... HTX đạt doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm. Một số sản phẩm rau gia vị và bí xanh của HTX đã được xuất sang Pháp, Đức.
“Thành viên, người lao động HTX rất vui khi những sản phẩm rau củ quả của mình đã đến với từng gia đình tại Thủ đô Hà Nội. "Trao chất lượng, nhận niềm tin - Sạch từ lương tâm tới hành động" là slogan mà thành viên và những người nông dân tại HTX rất tự hào. Với họ, rau hữu cơ đã và đang làm thay đổi cuộc sống của người dân thôn quê, nông dân có thu nhập tốt hơn và gắn bó với mảnh đất quê mình”, bà Hậu nói.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá, để các HTX tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP, thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục chỉ đạo các địa phương, HTX tuyên truyền các nội dung của Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025, tiếp tục triển khai các lớp tập huấn, phát triển sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, TP. Hà Nội cũng sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp gồm tiếp tục hỗ trợ đa dạng hóa sản phẩm; tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP; đồng thời giám sát chặt chất lượng từng sản phẩm, với mục tiêu gia tăng giá trị sản phẩm, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thu Hiền