Thạnh Phú là một trong bốn xã có đông đồng bào dân tộc Khmer của huyện Mỹ Xuyên. Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm gần đây, xã này tập trung đẩy mạnh việc triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho giá trị kinh tế, năng suất cao.
HTX tạo nhiều việc làm cho người dân Thạnh Phú
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn hơn 1,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm. Tính đến tháng 6/2023 xã đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. |
Trong xã có HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú có 12 thành viên. Từ khi thành lập vào năm 2020 đến nay, HTX đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Mỹ Xuyên và các huyện, thị xã, thành phố đào tạo nghề cho rất nhiều lao động tại các địa phương.
Các mặt hàng gia công của HTX được xuất bán sang thị trường Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu. Đối với thị trường nội địa, sản phẩm của HTX có mặt ở các tỉnh, thành phố như Tp.HCM, Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu…
Mục tiêu trước mắt của HTX là mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, khai thác lĩnh vực sản phẩm đan đát hàng thủ công mỹ nghệ nhằm tạo ra sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu tại chỗ để giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, hạn chế đi làm ăn xa.
Đây là công việc mới, tăng nguồn thu nhập để cải thiện đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và đóng góp vào tiêu chí xây dựng mô hình nông thôn mới của địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã đánh giá cao sự nỗ lực của HTX Thanh Phú thời gian qua đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động nông thôn và mong rằng HTX tiếp tục chủ động, sáng tạo hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh, liên kết mở rộng sản xuất, đào tạo nghề cho lao động, góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Còn ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) cũng là địa phương có đông đồng bào Khmer (chiếm hơn 80% dân số. Hiện xã có 1.670 ha chuyên sản xuất 2 vụ lúa, 298 ha trồng hoa màu…Tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt trên 76% và phần lớn bà con được đào tạo nghề đều tạo được việc làm tại chỗ.
Đại Tâm đi lên cùng Tổ hợp tác Đại Ân
Hiện Đại Tâm đã thành lập được HTX, Tổ hợp tác, xây dựng được mô hình cánh đồng lớn trồng lúa đặc sản ST24, ST25, liên kết với doanh nghiệp để cung cấp giống vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.
Tổ hợp tác nông dân Đại Ân chọn sản xuất giống lúa đặc sản ST24, ST25 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. |
Nhờ phát triển kinh tế hợp tác và thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác đã giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở địa phương. Đến nay thu nhập của người dân xã Đại Tâm vào khoảng 65 - 67 triệu đồng/người/năm.
Điển hình về mô hình kinh tế hợp tác trong xã Đại Tâm phải kể đến Tổ hợp tác nông dân Đại Ân có 32 thành viên với quy mô sản xuất 103 ha; trong đó có 100 ha trồng lúa và 3 ha trồng màu. Đối với diện tích trồng lúa, các thành viên Tổ hợp tác chọn sản xuất giống lúa đặc sản ST24, ST25 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Hồi năm 2022, lợi nhuận bình quân từ trồng lúa của Tổ hợp tác nông nghiệp Đại Ân đạt từ 40-50 triệu đồng/ha, vùng chuyên canh rau màu cho lợi nhuận bình quân từ 60-80 triệu đồng/ha.
Hơn 30 thành viên của Tổ hợp tác nông dân Đại Ân hiện nay đều có điều kiện kinh tế khá giả, nhà cửa khang trang, con em học hành đến nơi đến chốn. Đó là nhờ bà con thực hiện sản xuất theo hình thức kinh tế tập thể với mô hình tổ hợp tác.
Như trường hợp anh Khâu Đức Lập trước đây kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn, khi thu nhập từ 2 công trồng rau màu và 2 công trồng lúa không đảm bảo đủ để trang trải cuộc sống gia đình hằng ngày.
Tuy vậy, từ ngày gia đình tham gia vào Tổ hợp tác nông dân Đại Ân, được các thành viên trong tổ hợp tác giúp đỡ, tìm hướng phát triển kinh tế, anh chị đã chọn thêm mô hình chăn nuôi bò sữa để kiếm thêm thu nhập.
Vừa chăm sóc cho đàn bò sữa 9 con, anh Khâu Đức Lập vừa phấn khởi chia sẻ, bò sữa là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Anh Lập cho biết trong số này, có 4 con đang cho sữa, với mỗi ngày vắt được khoảng 40 kg. Giá bán 16.500 đồng/kg, mỗi tháng gia đình anh cũng kiếm lời trên 10 triệu đồng từ việc vắt sữa bán, giúp kinh tế gia đình từng bước ổn định, vươn lên.
Ông Hứa Thành Nghĩa, Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp Đại Ân, cho biết ngoài mô hình nuôi bò sữa, tổ hợp tác còn có thêm chuyên canh màu với diện tích 3 ha, cho lợi nhuận bình quân từ 60-80 triệu đồng/ha. Đặc biệt là mô hình nhân giống lúa đặc sản ST24, ST25 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững với doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí trên diện tích 100 ha. Lợi nhuận bình quân mỗi năm đạt từ 40-50 triệu đồng/ha.
“Cùng với thu nhập từ nuôi bò sữa, trồng màu, hiện nay 32 thành viên tổ hợp tác đều có kinh tế gia đình ổn định, khá giả”, ông Nghĩa cho biết.
Sát cánh cùng nông dân thoát nghèo
Nhờ vai trò đóng góp tích cực của kinh tế hợp tác đã góp phần giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều của xã Đại Tâm chỉ còn 2,48%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, tạo dựng diện mạo nông thôn thêm khang trang, đổi mới, xã Đại Tâm tự tin sẽ cán đích xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Bộ mặt nông thôn mới ở Mỹ Xuyên ngày càng tươi đẹp. |
Cùng với những hiệu quả tích cực về kinh tế tập thể ở hai địa phương nêu trên, huyện Mỹ Xuyên hiện có 12 HTX với 420 thành viên và 143 tổ hợp tác với 3.468 thành viên. Bên cạnh đó, huyện đã giải thể 9 HTX và 4 tổ hợp tác không hoạt động, hoạt động kém hiệu quả.
Trong thời gian tới, huyện Mỹ Xuyên tiếp tục củng cố, kiện toàn, thành lập mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương cũng như trong hoạt động xoá đói giảm nghèo.
Hiện tại, ở 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Mỹ Xuyên, với vai trò tích cực của các HTX và tổ hợp tác, mức thu nhập bình quân người dân đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã này đều giảm về mức dưới 2%.
Huyện Mỹ Xuyên còn được coi là “thủ phủ” của vùng tôm lúa Sóc Trăng, nơi có sản phẩm “lúa thơm-tôm sạch” mà nổi bật là sản phẩm gạo ngon nhất thế giới ST25.
Là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm hơn 33% dân số, nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, phát triển kinh tế hợp tác, chăm lo bà con dân tộc thiểu số, đã giúp Mỹ Xuyên thực hiện tốt công tác giảm nghèo, sát cánh cùng nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhất là giảm được số hộ nghèo trong bà con Khmer, tính đến đầu năm 2023, toàn huyện chỉ còn 243 hộ Khmer nghèo, chiếm tỷ lệ 1,84%.
Thanh Loan