Những năm gần đây, hoạt động kinh tế hợp tác đã có nhiều chuyển biến ở xã Trí Bình (huyện Châu Thành), được xem là nhân tố góp phần vào xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
“Nhân tố” giúp giảm nghèo ở Trí Bình
Đơn cử như cách đây 2 năm, HTX nông nghiệp Đồng Xanh được thành lập ở ấp Xóm Mới 2, xã Trí Bình với 7 thành viên. Ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX gồm: Trồng các loại rau, đậu, cây gia vị, cây dược liệu; Tổ chức sản xuất, dịch vụ chăm sóc và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, cung cấp giống, phân bón…
HTX được kỳ vọng là “nhân tố” góp phần giảm nghèo ở Châu Thành. |
Tính đến nay, HTX đã liên kết được các thành viên tạo sức mạnh tập thể nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, cung ứng các dịch vụ đầu vào cho nông dân như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giống… với giá cả phù hợp, đảm bảo chất lượng, qua đó góp phần tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập cho thành viên HTX.
Ngoài ra, phải kể đến HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Trí Bình đã hoạt động được 5 năm nay. Lúc đầu thành lập, HTX có 32 thành viên, tổng diện tích canh tác là 34,2 ha ở xã Trí Bình.
Thời gian qua, HTX này đã tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ chăm sóc, thu hoạch sản phẩm. Khi tham gia HTX, các thành viên được hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng, năng suất cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hạn chế những rủi ro trong sản xuất.
HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Trí Bình được đánh giá đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở xã Trí Bình và tham gia thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Từ sự góp sức của 2 HTX nêu trên được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều chuyển biến tích cực trong xóa đói giảm nghèo ở xã Trí Bình trong thời gian tới. Còn trong năm 2022, tổng số hộ nghèo (gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo) và hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình là 77 hộ/215 khẩu, chiếm tỷ lệ 3,31%, tức giảm 0,74% so với năm 2021.
Theo đánh giá của chính quyền xã Trí Bình, các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được đảm bảo, quan tâm đến việc giải quyết việc làm và tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo vay vốn để vươn lên thoát nghèo.
Tuy vậy, trình độ nhận thức trong người nghèo ở xã vẫn còn thấp dẫn đến khó khăn trong việc đào tạo nghề, chậm cải thiện cuộc sống. Do vậy, rất cần các HTX ở Trí Bình phát triển hơn nữa, tham gia tổ chức các đợt tập huấn cho bà con nông dân về các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để việc thoát nghèo bền vững hơn.
Tạo động lực để HTX nông nghiệp phát triển
Không chỉ với xã Trí Bình, để giảm nghèo ở huyện Châu Thành đạt hiệu quả cao thì việc tạo động lực để các HTX nông nghiệp phát triển nhằm nâng cao đời sống cho bà con nông dân địa phương là rất quan trọng.
Châu Thành cần tạo động lực để các HTX nông nghiệp phát triển. |
Điều này có thể thấy ở HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu tại xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành). Đây là một HTX điển hình của huyện, đến nay đã có 86 thành viên, với tổng diện tích canh tác là hơn 200 ha. HTX hoạt động chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và cung ứng các loại giống, phân bón cho các thành viên.
Ông Lý Văn Sa, thành viên của HTX phấn khởi nói: “Từ khi tham gia HTX đến nay, tôi cũng như một số thành viên được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, HTX còn thực hiện nhiều mô hình để tạo đầu ra cho sản phẩm, từ đó tăng lợi nhuận cho các thành viên”.
Còn theo nhận xét của lãnh đạo UBND xã Hoà Thạnh, thông qua hoạt động của HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu, thực tế cho thấy việc liên kết, hợp tác cùng phát triển không chỉ mang lại hiệu quả cho thành viên HTX mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, ổn định về an sinh xã hội vùng biên giới, và đây cũng chính là “đòn bẩy” để cùng với chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng với các HTX ở xã Trí Bình và xã Hòa Thạnh, tính đến nay, toàn huyện Châu Thành có 19 HTX nông nghiệp, chiếm 79,16% trong tổng số HTX toàn huyện.
Để tạo động lực để HTX nông nghiệp phát triển, trong thời gian tới, chính quyền huyện Châu Thành đã có nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ các HTX phát triển hiệu quả hơn. Nhất là hỗ trợ các HTX củng cố lại tổ chức bộ máy, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Đưa trí thức trẻ về với HTX
Để các HTX nông nghiệp ở Châu Thành là bệ đỡ cho ngành nông nghiệp và là “bà đỡ” cho xóa đói giảm nghèo, đã có nhiều kiến nghị tỉnh Tây Ninh cần đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX.
Các HTX nông nghiệp ở Châu Thành đang cần có thêm sự tiếp sức từ “trí thức trẻ”. |
Như chia sẻ của ông Ngô Ngọc Thành- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, các giám đốc HTX dịch vụ thuỷ lợi và dịch vụ nông nghiệp đa phần là người lớn tuổi chưa qua đào tạo. Họ chỉ hoạt động ở một lĩnh vực “quản lý, điều hành việc cung cấp và sử dụng nước tưới”, khả năng phát triển các lĩnh vực khác là không khả thi.
Chính vì vậy, điều cần làm là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực ở một số HTX ở Châu Thành, để qua đó từng bước giúp các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đặc biệt trong trường hợp những HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao thì rất cần kỹ sư nông nghiệp có trình độ chuyên môn để giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để tìm, giữ được trí thức thức trẻ phù hợp, làm việc lâu dài, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì các HTX ở Châu Thành cũng cần quan tâm tạo điều kiện để tăng thêm thu nhập, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để những trí thức này phát huy năng lực, sở trường, qua đó giúp HTX nâng cao chất lượng hoạt động.
Ông Hoàng Hữu Hậu - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu cho biết, về cơ bản, cán bộ trẻ làm việc tại HTX khá năng động, nhiệt tình, nhanh nhạy, ham học hỏi. Nhất là trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh.
Ông Hậu khẳng định, việc đưa cán bộ trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp là làn gió mới cho kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX. Với những kiến thức được đào tạo bài bản, cán bộ trẻ sẽ giúp HTX tiếp cận tốt hơn với công nghệ sản xuất mới để thích ứng với xu thế của thị trường.
Tin rằng việc phát triển các HTX nếu có thêm sự tiếp sức từ trí thức trẻ sẽ góp phần giúp cho Châu Thành thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thanh Loan