Bưởi Kế Thành đã được thị trường biết tiếng và ưa chuộng nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng ngon. Tuy nhiên, để tăng giá trị và sức cạnh tranh, phát triển bền vững, sản phẩm bưởi còn phải bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Nguồn thu nhập chính nuôi sống người dân
Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp địa phương đã hướng dẫn người dân tham gia HTX bưởi năm roi Thành Công (xã Kế Thành) và áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất. Hiện, HTX đang trồng cả hai loại bưởi là da xanh và năm roi để đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm nguồn thu cho thành viên, người dân.
Ước tính bình quân 1ha bưởi thu hoạch 6 - 6,5 tấn, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.
Trước đây, bưởi được HTX cung ứng cho doanh nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Hà Lan và đưa vào một số siêu thị lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu ra của sản phẩm này không bị phụ thuộc vào thương lái nên hạn chế tình trạng ép giá.
Bưởi Kế Thành được đánh giá cao về chất lượng nên mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. |
Có những thời điểm, giá bưởi loại 1 của HTX bán tại vườn là 45.000-60.000 đồng/quả. Như vậy, so với các loại trái cây khác như vú sữa, mận, cam… thì bưởi là loại cây cho thu nhập ổn định ở mức cao trong nhiều năm qua. Chính vì vậy mà loại cây này đang trở thành nguồn thu chính của nhiều người dân.
Thông qua HTX, thương hiệu “bưởi Kế Thành” đã được tỉnh công nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu- OCOP 3 sao. HTX cũng đã được trao giấy chứng nhận VietGAP cấp 4 mã số vùng trồng (mã code) đủ điều kiện xuất khẩu trái bưởi. Chính vì vậy mà thời gian gần đây, người dân trồng bưởi huyện Kế Sách nói chung luôn được mùa cả về năng suất và giá. Năm nay, HTX dự kiến cung ứng khoảng 25 tấn bưởi để phục vụ thị trường Tết và các kênh siêu thị.
Hỗ trợ giảm nghèo
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, ngoài Kế Thành, các xã Kế An, Thới An Hội, Xuân Hòa… đều có tỷ lệ người dân trồng bưởi chuyên canh cao.
Với sự “đỡ đầu” của HTX Thành Công, cây bưởi đã giúp nhiều thành viên, hộ dân trên địa bàn huyện phát triển kinh tế gia đình, thực hiện hiệu quả phong trào xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, là cầu nối để có thêm nhiều người vươn lên làm kinh tế giỏi.
Theo thống kê, toàn huyện Kế Sách có hơn 43.000 hộ, trong đó hộ dân tộc thiểu số là trên 5.000 hộ chiếm 11% dân số. Nhưng nhờ phát triển trồng bưởi hàng hóa, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn 12,69%, hộ cận nghèo còn 11,69% theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025. Hiện, các ngành chức năng cũng đã chọn bưởi là cây trồng chủ lực để vận động người dân chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế.
Đến nay, tổng diện tích cây trồng này của toàn huyện lên gần 1.400 ha. Bưởi cũng thuộc một trong những loại cây ăn trái có tỷ lệ hiệu quả kinh tế (lợi nhuận từ 150 triệu đồng/ha/năm) đạt 60% trên tổng diện tích vườn hiện có.
Trong đó, HTX Thành Công đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP đối với 11,5 ha bưởi da xanh, sản lượng 600 tấn/năm. Nhãn hiệu tập thể cho bưởi Kế Thành (Sóc Trăng) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận bảo hộ.
Để phát huy lợi thế, tăng giá trị và sức cạnh tranh, phát triển bền vững, sản phẩm bưởi Kế Thành có thêm chỗ đứng trong phân khúc thị trường chất lượng cao và hệ thống siêu thị, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp huyện Kế Sách phối hợp với HTX Thành Công triển khai ứng dụng tem điện tử xác thực nguồn gốc, hướng dẫn HTX cài đặt và sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone).
Tem điện tử xác thực nguồn gốc giúp minh bạch thông tin liên quan đến sản phẩm của HTX với khách hàng và người tiêu dùng. Đây cũng là “giấy thông hành” vào phân khúc thị trường cao cấp và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng cũng như người sản xuất.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, với sự chuẩn bị đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiếp cận thị trường, sản phẩm bưởi Kế Thành ngày càng phát huy được thế mạnh trên thị trường. Đặc biệt, việc phát triển diện tích trồng bưởi đang giúp tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần giảm nghèo, thúc đẩy tiến trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sử dụng tiềm năng sẵn có để tăng hiệu quả sử dụng đất của Kế Sách.
Minh Nhương