Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 21.000 ha cây ăn quả, trong đó chanh dây chiếm gần 5.000ha. Dù là một cây trồng “sinh sau đẻ muộn”, chanh dây đang cho thấy những tiềm năng phát triển rất lớn, mang lại giá trị cao cho nhiều hộ sản xuất, hướng tới xuất khẩu.
Tiềm năng vượt trội
Đang thu hái chanh dây còn lại trên khu vườn hơn 2 ha của gia đình mình, ông Châu, thành viên Tổ liên kết trồng chanh dây xã Nam Yang, huyện Đak Đoa cho hay, sau năm 2023 thị trường bất ổn, đến nay, giá chanh dây đã bắt đầu tăng trở lại.
“Với giá bình quân 15-40 nghìn đồng/kg, nhà vườn có thể thu về trên dưới 350 triệu đồng/ha/vụ, trừ chi phí có thể lãi 200-250 triệu đồng/ha/vụ. Cây chanh dây được trồng tại địa phương hiện chủ yếu là loại giống nhập khẩu từ Đài Loan, hay còn gọi là chanh dây tím Đài Loan”, ông Châu chia sẻ.
Để cây chanh dây phát triển và đem lại giá trị kinh tế bền vững, theo ông Châu, trước tiên cần chú ý đến một số vấn đề như mã số vùng trồng, tiêu chuẩn cơ sở, phải tổ chức trồng rải vụ quanh năm để liên tục có sản phẩm phục vụ cho nhà máy chế biến (chu kỳ canh tác hiệu quả nhất của cây chanh dây là 2 năm).
Giá chanh dây đang tăng trở lại đem đến nhiều niềm vui cho nông dân, HTX (Ảnh: Ngọc Sang). |
Cùng với các tổ hợp tác, hoạt động của các HTX cũng đang tạo điểm tựa vững vàng cho hàng trăm hộ trồng chanh dây ở Gia Lai. Một trong những điển hình là HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang).
Thời gian qua, để đảm bảo vùng nguyên liệu chất lượng cao, HTX đã liên kết với hàng trăm hộ nông dân, phát triển trên 300 ha (thời điểm cao nhất) canh tác chanh dây VietGAP, hữu cơ. Năm 2024, HTX tiếp tục khai thác để nâng giá trị cho chanh dây, giúp thành viên và nông dân liên kết yên tâm sản xuất.
Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX, cho hay quả chanh dây có nhiều dinh dưỡng, đặc biệt, quả chanh tím được thị trường nước ngoài ưa chuộng.
Bên cạnh việc liên kết sản xuất chanh dây đảm bảo lựa chọn quả tươi theo tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu, HTX đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, giảm lượng xuất thô, tăng hàm lượng chế biến nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho thành viên, nông dân liên kết.
Giải bài toán thị trường
Giảm xuất thô, tăng chế biến cũng là một trong những giải pháp quan trọng được các HTX, hộ sản xuất và doanh nghiệp trồng chanh dây ở Gia Lai đẩy mạnh để giải bài toán thị trường, tránh điệp khúc “được mùa mất giá”.
Như tại HTX Hùng Thơm Gia Lai đến nay đã có 15 sản phẩm trong chuỗi giá trị chanh dây gồm: chanh dây quả tươi, tinh cốt chanh dây, bột chanh dây, chanh dây sấy dẻo, trà detox chanh dây, ruột chanh dây cấp đông, tinh dầu hương chanh dây, tinh dầu hạt chanh dây, nến chanh dây, viên chanh dây sấy đông khô, viên chanh dây mix vị (gồm vị sữa, trà, dâu, phô mai, chocolate), hạt chanh dây sấy khô, salad chanh dây, sốt chanh dây…
Tương tự, tại HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) những năm qua đã đầu tư nguồn lực lớn để đầu tư máy móc, kho đông lạnh nhằm tăng hàm lượng chế biến, giảm xuất thô.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX, cho biết HTX đã liên kết với hơn 200 hộ sản xuất gần 300 ha chanh dây. Trong bối cảnh thị trường còn biến động, giá xuất quả thô nhiều thời điểm xuống rất thấp thì việc tăng cường hàm lượng chế biến là đòi hỏi tất yếu để HTX và các hộ thành viên đảm bảo giá trị sản xuất.
Tăng cường chế biến và hướng tới xuất khẩu là giải pháp để giải bài toán "được mùa mất giá" chanh dây (Ảnh: Ngọc Sang). |
Sau một năm 2023 nhiều khó khăn, vụ chanh dây 2024 đang có những tín hiệu tích cực. Chanh dây sạch xuất khẩu theo tiêu chuẩn châu Âu hiện có giá 45 ngàn đồng/kg, chanh dây tươi bán xô hiện có giá 12 - 15 ngàn đồng/kg.
“Trong định hướng phát triển lâu dài, HTX sẽ đầu tư chế biến một số sản phẩm từ chanh dây như dịch chanh dây đông lạnh. Giá trị chế biến dịch chanh dây sẽ cao hơn khoảng 15% so với bán xô chanh múc. Việc chế biến sẽ chủ động bảo quản được trái chanh tươi khi đến vụ thu hoạch rộ”, ông Thanh nói.
Cùng với tăng cường chế biến, các HTX, doanh nghiệp và nông dân trồng chanh dây ở Gia Lai cũng đang hướng mạnh tới mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm giải hết bài toán thị trường tiêu thụ, tránh điệp khúc “được mùa mất giá”.
Ông Lưu Quốc Thạnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) cho hay: “Hương vị chanh tím ngày càng được thế giới ưa chuộng so với chanh vàng của khu vực Nam Mỹ. Năm 2023, công ty đã thu mua và chế biến khoảng 70 ngàn tấn chanh dây tươi để sản xuất ra các mặt hàng như nước chanh dây cô đặc đông lạnh, nước chanh dây thanh trùng đông lạnh, hương chanh dây đông lạnh. Trong đó, riêng sản phẩm nước chanh dây cô đặc đông lạnh chiếm khoảng 80%. Các sản phẩm này được phân phối đến hơn 40 nước trên thế giới, trong đó, khoảng 70% là xuất khẩu sang thị trường châu Âu”.
Quy hoạch bền vững
Chanh dây được xác định là 1 trong 4 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh Gia Lai và là cây trồng chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến xuất khẩu. Cuối năm 2023, tổng diện tích chanh dây của tỉnh khoảng 4.800 ha và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên khoảng 20.000 ha.
So với nhiều loại cây trồng khác, cây chanh dây đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn 1 ha cà phê nếu chăm sóc tốt thì cho năng suất khoảng 4 tấn nhân, giá hiện nay 47-48 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi 100-120 triệu đồng. Trong khi đó, 1 ha chanh dây cho năng suất khoảng 40 tấn, với giá bình quân 15 ngàn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng thì người trồng lãi 350-400 triệu đồng.
Đáng chú ý, từ tháng 7/2022, chanh dây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đây là cơ hội lớn cho sản xuất chanh dây của tỉnh.
Thời gian qua, toàn tỉnh Gia Lai đã xây dựng được 32 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích hơn 877 ha. Hiện tại, chanh dây xô (chanh múc) có giá khoảng 11-12,5 ngàn đồng/kg, trong khi chanh dây tươi đạt chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc có giá 22 ngàn đồng/kg, xuất đi châu Âu có giá 45-48 ngàn đồng/kg.
Giá chanh dây bắt đầu ổn định trở lại, nhích dần lên là tín hiệu tốt để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các địa phương khuyến cáo người dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt mở rộng diện tích. Việc phát triển các vùng trồng cần gắn kết chặt chẽ với các HTX, doanh nghiệp, cơ sở chế biến nhằm đảm bảo thị trường tiêu thụ.
Mỹ Chí