Nói về sự chìm nổi của cây sen ở Tháp Mười, ông Nguyễn Công Chánh, thành viên Tổ hợp tác Hưng Thạnh, chia sẻ trước đây, đã có lúc nghề trồng sen gần như mai một, thị trường bấp bênh khiến nhiều hộ trồng sen lấp đầm chuyển sang trồng các loại cây khác.
Liên kết trồng sen
Chỉ từ sau năm 2015 đến nay, khi các địa phương trong tỉnh bắt đầu triển khai nhiều chiến lược thúc đẩy nghề trồng sen, đồng thời các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tăng sự hiện diện, những khó khăn của các hộ sản xuất mới bắt đầu được hóa giải.
Trong khoảng 3 năm qua, theo ông Chánh, các hộ trồng sen trong Tổ hợp tác Hưng Thạnh đã không còn quá lo về thị trường khi đã có doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Không chỉ kết nối tiêu thụ, doanh nghiệp còn hỗ trợ cả về kỹ thuật, giúp Tổ hợp tác nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sen đang là một trong những cây trồng thế mạnh của nông dân Đồng Tháp. |
“Giá cả ổn định giúp chúng tôi dễ dàng tính toán được chi phí, lợi nhuận, từ đó có kế hoạch mở rộng vùng trồng hợp lý. Hiện, mỗi ha trồng sen có thể cho thu nhập trên dưới 40 triệu đồng/năm, cao hơn trồng lúa. Khi kỹ thuật hoàn thiện, thị trường mở rộng hơn, lợi nhuận chắc chắn sẽ tăng”, ông Chánh hồ hởi nói.
Với những điểm tựa ban đầu, kể từ năm 2022 đến nay, Tổ hợp tác Hưng Thạnh đã tích cực hoàn thiện sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các thành viên Tổ hợp tác đẩy mạnh chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ sen để gia tăng giá trị kinh tế, hướng tới xuất khẩu.
Năm 2023, Tổ hợp tác Hưng Thạnh tiếp tục được chọn là “đầu tàu” thực hiện mô hình “Chuyển đổi sản xuất hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ sen và du lịch trải nghiệm” tại địa phương, trên quy mô 20ha.
Anh Huỳnh Văn Cưỡng, thành viên Tổ hợp tác, cho biết trong xu hướng người tiêu dùng ngày càng khắt khe, việc chuyển đổi trồng sen theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm là hướng đi tất yếu, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng chuỗi liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.
“Vì vậy, ngay khi được địa phương vận động tham gia mô hình, tôi và nhiều thành viên trong Tổ hợp tác sen Hưng Thạnh rất đồng lòng thực hiện. Cây sen vẫn luôn là cây trồng thế mạnh, nếu được phát triển đúng hướng, nó sẽ là cây làm giàu đúng nghĩa trên vùng đất này”, anh Cưỡng chia sẻ.
Mở rộng thị trường
Đồng Tháp được mệnh danh là “đất sen hồng”, với tổng diện tích trồng sen trên 1.800 ha, sản lượng bình quân hơn 1.500 tấn/năm. Không chỉ ở Tháp Mười, cây sen còn "bén rễ", đem lại lợi nhuận kinh tế không nhỏ cho người dân tại nhiều địa phương khác như Cao Lãnh, Thanh Bình, Lấp Vò…
Đơn cử như ở Cao Lãnh, nắm bắt được thế mạnh của địa phương, một số HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Nổi bật có thể kể đến HTX Sen Việt đã và đang giúp thành viên, nông dân nâng giá trị kinh tế từ cây sen.
Ông Lê Hoài Đông, Giám đốc HTX Sen Việt, nhấn mạnh những giá trị từ cây sen là không thể bàn cãi. Loài cây trời ban này gần như không bỏ một bộ phận nào.
“Độc đáo nhất là tơ sen, được chắt lọc từ những thân sen thường dễ bỏ đi nhất, nay có thể lấy tơ dệt thành những chiếc khăn có giá trị thẩm mỹ và kinh tế rất cao, chỉ vài nghệ nhân bậc thầy mới có thể tạo tác”, vị đại diện HTX cho hay.
Đồng Tháp đang thúc đẩy trồng sen theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, kết hợp du lịch. |
Có thể thấy, cây sen hiện không chỉ là biểu tượng văn hóa, mà còn là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cho người dân Đồng Tháp. Các sản phẩm từ sen Đồng Tháp ngày càng vươn xa cả ở trong nước và xuất khẩu.
Hiện, Đồng Tháp có trên 100 sản phẩm chế biến từ sen, trong đó có gần 60 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Để bắt nhịp với xu hướng của thị trường, các HTX, doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới sáng tạo, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới từ sen như: bún sen, trà olong sen, nước hoa sen, son sen, giấy sen, chỉ tơ sen...
Các sản phẩm sen của Đồng Tháp đang tiếp cận được với nhiều thị trường khó tính như: châu Âu, châu Mỹ. Ở thị trường nội địa, các sản phẩm được chế biến từ sen của Đồng Tháp cũng được đón nhận mạnh mẽ ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau như nhóm ngành F&B hay các sản phẩm thuần chay.
Tuy nhiên, để có thể khai thác được tối đa những giá trị tiềm năng của cây sen, hiện các doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đang tập trung nhiều giải pháp về đẩy mạnh phát triển chế biến sâu ở lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm phù hợp với xu thế tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu...
Đa hướng phát triển từ sen
Bên cạnh xây dựng nhiều chiến lược đột phá trong sản xuất, kinh doanh, nhiều HTX, tổ hợp tác, nông dân trồng sen ở Đồng Tháp đang liên tục đổi mới tư duy trong canh tác sen, từ đó hình thành các mô hình kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao như: sen - cá, sen - lúa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm, mô hình trồng sen lấy củ...
Các mô hình “biến thể” mới đang được nhân rộng, tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu ổn định, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến và phát triển du lịch từ sen, đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế tại nhiều địa phương.
Đặc biệt, các hộ trồng sen ở Đồng Tháp ngày càng chú trọng đến phát triển du lịch. Điển hình, phát huy thế mạnh về sen, nhiều hộ sản xuất ở khu Đồng Sen Tháp Mười đã triển khai các hoạt động trải nghiệm như: chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, cảnh thu hoạch, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê...
Hiện tại, có 7 hộ tham gia khai thác du lịch ở khu Đồng Sen Tháp Mười. Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch từ TP.HCM và các tỉnh lân cận vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ. Trung bình mỗi tháng, các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách.
Những kết quả thực tế cho thấy sen đang là một trong những ngành hàng giàu tiềm năng phát triển nhất ở Đồng Tháp. Năm 2023, với tổng diện tích gieo trồng sen toàn tỉnh khoảng 1.838ha, giá trị sản xuất ngành hàng sen đạt 1.900 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, để tạo đòn bẩy cho ngành hàng sen tiếp tục phát triển bền vững, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các nhà khoa học cũng như sự nỗ lực hết mình của cộng đồng doanh nghiệp, HTX và người nông dân.
Mỹ Chí