Ea Sar vốn là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, cả xã chẳng có gì đáng chú ý ngoài Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, được cho là có dấu vết của loài bò tót và bò xám đặc biệt quý hiếm. Tuy nhiên, đến nay, Ea Sar là địa chỉ hàng đầu của những người mê ăn vải siêu sớm.
Những tỷ phú trồng vải ở vùng 3
Sau hành trình đầy mồ hôi trong hơn 20 năm tìm cách thuần hóa loài cây gốc Bắc, người Tây Nguyên đã làm chủ được công nghệ thúc hoa cho cây vải, để cây cho quả chín sớm vào tháng 4, tức là sớm hơn trên 1 tháng so với vải ngoài Bắc. Vải đang giúp cho nông dân ở những vùng rừng nghèo, vùng hồ tiêu bị chết tìm thấy hy vọng. Chính nhờ cây vải mà vùng đất khó này đã xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú nông dân.
Nhờ cây vải mà vùng đất khó Ea Sar đã xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú nông dân (Ảnh: TL) |
Vụ vải vừa rồi, với 6ha, ông ông Nguyễn Văn Bình, thôn 10 thu gần 100 tấn quả. Suốt vụ gần một tháng ròng, gia đình ông lúc nào cũng tất bật gần chục nhân công, vừa hái trái, đóng thùng chuyển đi tiêu thụ ở các siêu thị tại TP.HCM, vừa cắt tỉa, chăm sóc những cây đã thu hoạch xong. Với giá trung bình 32.000 đồng/kg, nhà ông thu được hơn 3 tỷ đồng, lãi 1,8 tỷ đồng.
“Đất pha cát ở Ea Sar rất hợp để trồng vải. Các nhà buôn ở TP.HCM rất chuộng vải ở đây vì trái ngọt thanh, mọng nước, quãng đường vận chuyển gần nên giữ nguyên được độ tươi và thơm”, ông Bình vui vẻ cho biết.
Cùng ở xã Ea Sar, ông Đỗ Công Hải còn đưa được vải đi xa hơn. Từ năm 2019, ông Hải đã bán được vải cho T.Vita - thương hiệu nông sản an toàn của Công ty Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống Xanh T&T, thuộc Tập đoàn T&T. Theo đó, T.Vita cử chuyên gia đến tận vườn, thẩm định chất lượng (về hương, vị, độ dày cơm), hướng dẫn tận tình cho dân làng hiểu rõ cách thu hoạch quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và cách bảo quản sau thu hoạch.
Xã Ea Sar hiện có 300 ha vải, trong đó 160 ha đã bước vào thời kỳ kinh doanh, với năng suất trung bình 16 tấn/ha. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn, cây vải bắt đầu phát triển mạnh ở địa phương từ năm 2010. Với lợi thế chín sớm, vải luôn bán được giá cao, đầu ra thuận lợi, giúp nông dân thu về 450 - 500 triệu đồng/ha mỗi năm, cao gấp vài chục lần so với trồng cà phê.
Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ cây điều, cà phê kém hiệu quả sang trồng vải, xã đã hỗ trợ cây giống cho 12 mô hình, phối hợp mở lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây vải, tổ chức các hội nghị gặp gỡ, kết nối giữa chính quyền, nông dân, doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội tiêu thụ nông sản cho nông dân. Cây vải chín sớm đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Giám đốc CTCP Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên, quả vải Đắk Lắk hiện chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, chưa xuất khẩu nhiều ra thị trường quốc tế nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Để xuất khẩu, ngành chức năng cần hỗ trợ người trồng xây dựng thương hiệu vải riêng cho địa phương. Muốn làm được việc này, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng trái cây bằng cách chuyển đổi mô hình hộ cá thể sang HTX; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP; xúc tiến thương mại, tìm đầu ra xuất khẩu cho sản phẩm...
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Xã Ea Sar có trên 5.000ha đất sản xuất nhưng các công trình thủy lợi chỉ bảo đảm tưới tiêu cho khoảng 100ha cây trồng, nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Trước thực trạng này, UBND xã đã tạo mọi điều kiện để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế.
Nhiều hộ đã vươn lên khá giả nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp |
Tuy nhiên, với mục tiêu không để người dân sản xuất tự phát dẫn đến rủi ro, chính quyền địa phương đã tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi làm cơ sở khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả trước khi tuyên truyền, nhân rộng. Từ năm 2016 đến nay, UBND xã đã đầu tư kinh phí, hỗ trợ xây dựng 12 mô hình trồng vải, duy trì các lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây vải hằng năm. Tại những vùng đất đồi, bạc màu, xã khuyến khích người dân trồng cây keo, điều cao sản; số diện tích điều, cà phê kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây ăn quả…
Nhờ chủ động chuyển đổi cây trồng, xã Ea Sar đến nay đã có trên 450ha cây ăn quả các loại, trên 3.000ha cây hoa màu, trong đó nhiều cây trồng hiệu quả như nghệ, khoai tím, gừng, vải, nhãn, vú sữa, mít Thái, bơ booth, chanh dây, ca cao… Nhiều hộ đã vươn lên khá giả nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Cùng với việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền xã Ea Sar còn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất từng mùa vụ; khuyến khích nông hộ liên kết trong sản xuất để hình thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất... Bên cạnh đó, địa phương còn chú trọng thành lập các HTX, tổ hợp tác để phát triển sản xuất hàng hóa, tìm đầu ra ổn định cho nông sản.
Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã Ea Sar đạt 32 triệu đồng, cao hơn 4 triệu đồng so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo còn 18,7%, giảm 6,5% so với năm 2018; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Đức Nguyễn