Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Thọ, cho rằng từ thực tiễn, việc tổ chức hoạt động quỹ trực thuộc hệ thống Liên minh HTX là hợp lý, bởi sự thấu hiểu HTX rất thuận lợi cho quy trình tiếp cận, thẩm định cho vay và sử dụng đồng vốn đúng mục đích.
Vốn liên kết kinh tế hộ
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Phú Thọ ra đời từ năm 2009, do ngân sách tỉnh cấp vốn bổ sung mỗi năm 2 -3 tỷ đồng, hiện nay có tổng vốn điều lệ 12 tỷ đồng. Là tỉnh nghèo, vốn quỹ thấp, song Phú Thọ vẫn xác định hai đối tượng cho vay chủ yếu là HTX và THT.
Những năm qua, đây là nguồn vốn đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, đã cho vay 257 dự án (trong đó có 17 THT). Đến nay, tổng số vốn cho vay đạt 44,448 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 12,258 tỷ đồng.
Dự thảo Nghị định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (Dự thảo Nghị định) do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, hiện có 8 chương 79 điều và đang lấy ý kiến rộng rãi các tỉnh, thành phố và khu vực HTX trên cả nước.
Trong công văn tham gia xây dựng Dự thảo Nghị định, Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ đi từ thực tế 9 năm vận hành quỹ hỗ trợ HTX đã đóng góp 17 nội dung cần bổ sung và điều chỉnh.
Tại Điều 2, Khoản 1 của dự thảo Nghị định về “khách hàng” chỉ quy định bó hẹp là các HTX và Liên hiệp HTX. Thế nên, Phú Thọ đề nghị mở rộng đối tượng cho vay là các HTX, Liên hiệp HTX, thành viên HTX và nhất là các THT.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, quỹ hỗ trợ phát triển HTX chính là nguồn vốn thúc đẩy liên kết kinh tế hộ, trong đó phải kể tới mô hình THT. Đó cũng là tính tất yếu bởi kinh tế hộ, làm ăn cá lẻ ở Việt Nam đã không còn phù hợp. Hiện nay, song song với HTX, Liên hiệp HTX, các mô hình THT cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện phát triển. Và THT cũng đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 1.400 THT. Rất nhiều mô hình THT phát triển lên HTX hoạt động hiệu quả và trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh. Tổ hợp tác cũng là nguồn quan trọng để phát triển hợp tác xã. Đồng thời, các thành viên HTX có vai trò rất lớn với sự phát triển của HTX.
Hoạt động của HTX mục tiêu cuối cùng hướng tới lợi ích các thành viên. Việc cho thành viên vay một mặt phát triển kinh tế hộ, từ đó thành viên có điều kiện tham gia góp vốn vào HTX để HTX có nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.
Mặt khác, khuyến khích người dân tham gia HTX, từ đó thúc đẩy thành lập mới các HTX, tiến tới thực hiện thành công Nghị quyết 32 của Quốc hội về phấn đấu đạt 15.000 HTX nông nghiệp kiểu mới làm ăn hiệu quả vào năm 2020.
Vì vậy, đối tượng của nguồn vốn quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở đây, ngoài HTX và Liên hiệp HTX thì các THT, các thành viên HTX cũng rất cần được quan tâm.
Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ góp ý xây dựng Nghị định quỹ hỗ trợ phát triển HTX |
Bất khả thi vốn điều lệ 100 tỷ đồng
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng thực tiễn ở Phú Thọ cho thấy, các HTX, THT không chỉ thiếu vốn đầu tư hạ tầng và trang thiết bị...mà có nhu cầu cấp thiết vốn lưu động, nhất là các HTX kiểu mới đều cần vốn đầu tư ngắn và dài hạn để phát triển theo từng giai đoạn. Từ đó, Phú Thọ đề nghị bổ sung Khoản 1, Điều 3 của Dự thảo Nghị định các phương thức cho vay đa dạng hơn, gồm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Về mô hình hoạt động, quỹ hỗ trợ phát triển HTX sẽ phù hợp hơn nếu vận hành theo Quyết định 246/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 về tổ chức Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam, thay vì Điều 3, Khoản 2 của Dự thảo Nghị định quy định quỹ hoạt động theo mô hình công ty TNHH...
Thực ra, mục đích quỹ hỗ trợ phát triển HTX không vì mục tiêu lợi nhuận. Nếu chuyển sang mô hình công ty vốn đặt mục tiêu số 1 lợi nhuận sẽ trái với mục đích đặt ra của quỹ.
Đáng lưu ý nhất, Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ khẳng định: Khoản 1, Điều 5 và Khoản 6, Điều 6 trong Dự thảo Nghị định quy định điều kiện thành lập mới quỹ địa phương phải có nguồn vốn khởi điểm 100 tỷ đồng do ngân sách tỉnh cấp là…bất khả thi!
Thực tế rất nhiều tỉnh còn nghèo, tiềm lực ngân sách rất khó khăn. Như tỉnh Phú Thọ phải cân đối thu chi phụ thuộc Ngân sách Trung ương. Do đó, dù tỉnh có quan tâm đến HTX cũng không đủ khả năng bố trí nguồn vốn quá lớn cho quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nhất là trong thời gian quá ngắn (90 ngày).
Hiện cả nước có 47 tỉnh/thành phố đã thành lập Quỹ hỗ trợ, nhưng đa số quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng (45/47 Quỹ). Các Quỹ hỗ trợ thường được cấp số vốn điều lệ ban đầu thấp, phổ biến quỹ khởi điểm 1 tỷ, 3 tỷ hoặc 5 tỷ đồng, một nửa số Quỹ có số vốn hoạt động dưới 10 tỷ đồng. Chỉ sau một thời gian hoạt động, đánh giá hiệu quả và cân đối ngân sách, các quỹ hỗ trợ mới được cấp bổ sung vốn điều lệ hàng năm.
Lưu Đoàn