Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu đánh giá, những mô hình sản xuất hàng hóa với sự dẫn dắt của các HTX đang là điểm nhấn trong phát triển kinh tế, giảm nghèo của địa phương. Trong quá trình giảm nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội huyện Mộc Châu đã được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,74% xuống còn 4,11% vào năm 2021.
Liên kết sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP
Để tiếp tục quá trình giảm nghèo, Mộc Châu vẫn định hướng nâng cao thu nhập cho người dân bằng việc phát triển các mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh nhằm phát huy thế mạnh địa phương.
Sản phẩm của các HTX ở Mộc Châu được tiêu thụ ổn định trên thị trường, nhiều hộ thành viên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ rau. |
Đặc biệt, huyện tiếp tục liên hệ với các hộ gia đình, HTX có mô hình nông nghiệp phát triển kinh tế tiêu biểu tại địa phương phối hợp tổ chức cho người dân tham quan học hỏi kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình có nhu cầu học mô hình nông nghiệp ngay tại địa phương.
Nhờ đó, người dân được cầm tay chỉ việc, áp dụng khoa học vào sản xuất một cách cụ thể, hiệu quả. Đây cũng là nền tảng để huyện tiếp tục hình thành các mô hình kinh tế hàng hóa, nhất là các mô hình HTX.
“Đến nay, huyện Mộc Châu có gần 3.000 ha rau, củ quả các loại, sản lượng ước đạt trên 27.900 tấn/năm. Nhiều hội viên nông dân đã cùng nhau liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo hướng VietGAP và hữu cơ”, ông Lê Trọng Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Dung, ở bản An Thái, xã Mường Sang, thành viên HTX rau an toàn An Tâm chia sẻ, từ năm 2016, gia đình ông đã tham gia HTX để sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Với mong muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rau.
Sau khi tham gia HTX, gia đình ông Dung được cán bộ nông nghiệp, Hội Nông dân xã, huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, được các thành viên trong HTX chia sẻ kinh nghiệm trồng rau, củ, quả.
Theo ông Dung, trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình nói không với thuốc trừ cỏ, làm cỏ bằng tay, chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ, phân hoá học đúng liều lượng. Để phòng trừ sâu bệnh, gia đình dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học bón cho rau, củ quả.
Để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, gia đình ông Dung chủ yếu trồng bắp cải trái vụ từ tháng 3 đến tháng 8, bắp cải trái vụ cho thu nhập gấp 2, 3 lần so với chính vụ. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Dung xuất bán được trên 20 tấn rau, củ, quả các loại ra thị trường, thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Tâm, giám đốc HTX rau an toàn An Tâm cho hay, hiện HTX chủ yếu trồng các loại rau cải bắp, su hào, dưa chuột, đậu cove, cà chua, cải mèo, với diện tích VietGAP là 4,66 ha, sản lượng khoảng 200 tấn mỗi vụ. Hằng năm, HTX phối hợp với Hội nông dân xã, Phòng nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGAP, nhờ vậy mà sản phẩm của thành viên HTX được tiêu thụ ổn định trên thị trường, nhiều hộ thành viên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ rau.
Kinh tế hộ bứt phá từ trồng rau
Ở độ cao trung bình hơn 1.000m so với mực nước biển, khí hậu lạnh, thổ nhưỡng màu mỡ là điều kiện lý tưởng cho Mộc Châu phát triển các loại rau xanh ôn đới.
Trước đây, người dân ở huyện Mộc Châu chủ yếu trồng lúa nước, ngô và một số cây màu khác, trồng rau tập trung vào vụ Đông nhưng chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, ít quan tâm đến nhu cầu thị trường, giá trị kinh tế các sản phẩm không cao.
Các HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất theo hướng VietGAP, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. |
Khoảng mười năm trở lại đây, người dân Mộc Châu mới phát triển nghề trồng rau thành mặt hàng mũi nhọn hàng hoá của huyện.
HTX Rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang được thành lập trên cơ sở tập hợp nhiều hộ nông dân sản xuất có kinh nghiệm và kỹ thuật trong nghề trồng cây rau màu với tổng diện tích gieo trồng là 7,5 ha.
Bà Nguyễn Thị Luyến, giám đốc HTX chia sẻ lại chặng đường đầy gian nan, thử thách. Bởi lâu nay, đồng bào dân tộc Thái, Mường, Mông vốn chỉ quen trồng ngô và một vài cây màu khác trên nương rẫy nên việc vận động họ trồng rau theo quy trình VietGAP là chuyện không hề đơn giản.
Sẵn vốn kiến thức, lại chịu khó tìm tòi, học hỏi, bà Luyến trở thành đầu tàu truyền thụ kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho bà con trong xã. Bà phải thử nghiệm trên chính thửa ruộng của gia đình, rồi lăn xả ngoài ruộng trực tiếp "cầm tay chỉ việc" làm cùng bà con.
Mưa dầm thấm lâu, công sức của bà cũng được đền đáp xứng đáng khi nhóm sản xuất rau an toàn đi vào hoạt động ổn định, thu nhập từ cây rau mang lại khấm khá hơn.
Hiện tại HTX đã có 45 hộ thành viên, diện tích sản xuất gần 25ha. Việc thành lập HTX là bước đi cần thiết nhằm kết nối và mở rộng vùng sản xuất rau an toàn, tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo.
Mỗi năm, HTX rau an toàn bản Tự Nhiên sản xuất và tiêu thụ khoảng 800 đến 1.000 tấn rau sạch các loại. Giá bán sản phẩm luôn cao hơn khoảng 2 nghìn đồng/kg so với rau sản xuất thông thường.
Bình quân mỗi ha thu lãi khoảng 400-500 triệu đồng. Nhiều hộ thành viên vươn lên làm giàu, như: Gia đình bà Chu Thị Vinh trồng 1,5 ha rau, thu lãi khoảng 600 triệu đồng/năm, ngoài ra còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương với tiền công 5 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình HTX rau an toàn Tự Nhiên trở thành điểm tham quan, học tập của nhiều nông dân trong và ngoài huyện Mộc Châu.
“Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất theo hướng VietGAP, song song, với việc mở rộng diện tích, HTX sẽ tiếp tục mở rộng thêm thị trường tiêu thụ, với thị trường mục tiêu định hướng là xuất khẩu rau ra thị trường thế giới. Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn là một hướng đi đang được ngành chuyên môn và các địa phương khuyến khích thực hiện”, bà Nguyễn Thị Luyến, giám đốc HTX chia sẻ.
Đoàn Huyền