Theo ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT), qua các chính sách trên, các HTX thay vì chỉ tập trung cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, hướng đi mới sẽ là tập trung liên kết, sản xuất các nông sản xuất khẩu chủ lực của quốc gia, nông sản cấp tỉnh, hoặc sản phẩm đặc trưng của từng xã (OCOP).
Ra đời trong cấp thiết
Ông Ma Quang Trung cho rằng hiện ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, vấn đề cạnh tranh về chất lượng và giá cả nông sản là sống còn.
Tuy nhiên, nền nông nghiệp hiện chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ lẻ theo dạng tự cung tự cấp, chưa chú trọng đến nhu cầu thị trường, chưa quản lý được chất lượng và an toàn thực phẩm…
Các mô hình sản xuất HTX, trang trại đa phần thiếu kết nối với doanh nghiệp (DN) - thị trường, nên hoạt động kém hiệu quả, đời sống thành viên chậm được cải thiện.
Trước thực trạng đó, dựa trên các quy định của Luật HTX 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98 vào tháng 7/2018, tập trung phát triển liên kết sản xuất ở cả 5 lĩnh vực lớn của ngành nông nghiệp là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp.
Trong đó, Chính phủ khuyến khích các HTX tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như hồ tiêu, cà phê, mía, thủy sản… các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD hiện nay là cơ sở để hình thành vùng nguyên liệu cho sản xuất lớn. Thứ hai là tập trung vào sản phẩm dạng đặc sản của tỉnh, của huyện, của xã thôn như chương trình OCOP.
Nhưng trọng tâm của các chính sách trên là việc xây dựng các chuỗi kết nối từ cung ứng vật tư đầu vào, cho đến tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho tất cả các đối tượng hộ nông dân, trang trại, HTX, DN.
Điều này sẽ giúp các hộ nông dân tham gia HTX yên tâm về mặt tiêu thụ sản phẩm và có thu nhập bình quân cao hơn 1,3 - 1,5 lần so với các hộ không tham gia HTX.
Tại các chính sách này, hỗ trợ của Nhà nước chỉ dựa trên cơ sở pháp lý là hợp đồng liên kết, dự án liên kết theo đúng định hướng quy hoạch nông sản của quốc gia, địa phương, tuân thủ chất lượng, ATVSTP và có chế tài xử lý nếu vi phạm hợp đồng…
Tính đến nay, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, cả nước có hơn 4.120 HTX hoạt động hiệu quả và số này ngày càng tăng lên. Con số này cũng thể hiện quyết tâm rất lớn của Quốc hội và Chính phủ để tự thúc đẩy chúng ta nhanh chóng vượt lên khỏi nền nông nghiệp nhỏ lẻ.
Trên 1.500 HTX đã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp |
Hướng tới mục tiêu 15.000 HTX kiểu mới
Về mặt cơ chế chính sách, sau Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 32 ủng hộ chủ trương này.
Khi đề ra, các mục tiêu này luôn bị hoài nghi vì cho là quá cao, tận 15.000 HTX, trong khi tính đến hết năm 2017, cả nước chỉ có hơn 4.000 HTX hiệu quả, tức là trong 3 năm sẽ phải xây dựng 11.000 HTX hiệu quả - quá lớn so với đà tăng hiện nay.
Tuy nhiên, con số 15.000 HTX cũng có cơ sở. Thứ nhất, đã có hơn 4.000 HTX hoạt động hiệu quả. Thứ hai, hiện còn có tới 5.400 HTX đánh giá là chưa hiệu quả, nhưng nếu các cơ quan chức năng vào cuộc sát sao trong công cuộc chuyển đổi hoạt động thì sẽ có tiềm năng rất lớn.
Thứ ba, thành lập mới các HTX nhưng phải hoạt động thực sự hiệu quả. Theo Luật HTX, các HTX hoàn toàn do các thành viên đóng góp để hoạt động. Họ góp tiền, góp công, nên họ bằng mọi cách phải giữ được tiền của của họ. Vì thế, vừa qua, đa số các HTX thành lập mới đều hoạt động hiệu quả.
Mục tiêu cụ thể của đề án là duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả của khoảng 4.400 HTX đã được phân loại và đánh giá năm 2017, có trên 1.500 HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX yếu kém để phấn đấu có trên 5.400 HTX hoạt động hiệu quả trong tổng số 6.400 HTX yếu kém hiện nay. Thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, việc xây dựng, chuyển đổi thành các HTX hiệu quả rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cả bộ máy thông tin, truyền thông.
Việc phát triển HTX không phải nhiệm vụ riêng của ngành nông nghiệp mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Đặc biệt là chính quyền các cấp ở địa phương. Phải để người dân hiểu về tương lai của HTX kiểu mới, về tiềm năng khi tham gia vào HTX gắn với chuỗi liên kết.
Hồng Nhung