Các HTX do phụ nữ lãnh đạo ở Bắc Giang đang phát huy hiệu quả tích cực, mở hướng làm giàu cho thành viên (Ảnh Tư liệu) |
Hiệu quả thiết thực
Sau nhiều năm vật lộn với đủ mô hình chăn nuôi từ gà đến lợn nhưng không hiệu quả, chị Nguyễn Thị Mách (xã An Châu, huyện Sơn Động) quyết định chuyển sang chăn nuôi thỏ theo hướng tập trung, chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo chị Mách, quyết định chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi thỏ của chị được sự hậu thuẫn, hỗ trợ từ Hội Phụ nữ xã An Châu.
Dù đã chuẩn bị rất kỹ, nhưng những lứa đầu tiên chưa có kinh nghiệm, thỏ bị bệnh, chết nhiều. Tuy nhiên, với quyết tâm làm giàu, chị Mách tiếp tục nuôi, tự mày mò tìm hiểu qua sách báo, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các mô hình ở nhiều địa phương khác. Đặc biệt, chị được Hội Phụ nữ xã An Châu giới thiệu đi học các lớp tập huấn về sản xuất, kinh doanh, tiếp thu nhiều bài học kinh nghiệm về phát triển sản xuất và tìm kiếm thị trường.
Kết quả, trang trại nuôi thỏ của chị Mách liên tục cho thu nhập cao trong những năm qua. Nhờ mối quan hệ tốt với các tiểu thương ở chợ truyền thống, cùng mối liên kết chặt chẽ với các cửa hàng ăn trên địa bàn, sản phẩm của chị luôn có thị trường ổn định, giá bán cao. Hiện, bình quân mỗi năm chị thu về từ 150 - 200 triệu đồng từ bán thịt thỏ thương phẩm.
Không chỉ giữ thành công cho riêng mình, chị Mách mạnh dạn vận động chị em trên địa bàn cùng phát triển mô hình chăn nuôi thỏ, liên kết thành lập HTX Dịch vụ kinh doanh sản xuất chăn nuôi thỏ xuất khẩu Hợp Thành, mở ra hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho hàng chục hộ dân.
Ở huyện Lục Nam, tổ hợp tác (THT) trồng khoai lang thôn Quỳnh Độ (xã Bắc Lũng) đang cho thấy hiệu quả cao, trở thành điểm tựa thoát nghèo, vươn lên làm giàu của nhiều chị em phụ nữ tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Trích - Phó Tổ trưởng THT cho hay, THT được thành lập từ năm 2014 với 18 thành viên, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, hỗ trợ nhau về vốn, khoa học kỹ thuật và ngày công lao động.
Trồng khoai lang không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư chỉ bằng 2/3 so với cấy lúa nhưng lợi nhuận thu hoạch vượt trội, gấp 3 - 4 lần.
Ðến nay, không ít thành viên trong THT trồng khoai lang thôn Quỳnh Độ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm nhờ thay đổi hình thức canh tác, từ đó giúp gia đình vươn lên khá giả.
Các HTX của phụ nữ được tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ, đầu tư phát triển (Ảnh TL) |
Tiếp tục đẩy mạnh các mô hình
Theo Hội LHPN tỉnh Bắc Giang, kể từ năm 2017 đến nay, Hội đã tích cực rà soát các thành viên có nguyện vọng, ý tưởng khởi nghiệp để hỗ trợ; khuyến khích chị em tham gia vào các THT, HTX phát triển mô hình sản xuất theo hướng hiện đại, mở ra hướng làm giàu bền vững.
Các cấp Hội LHPN tỉnh Bắc Giang cũng đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" gắn với triển khai khâu đột phá "Vận động, phát huy vai trò của phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường".
Năm 2019, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức hơn 54 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về HTX, kinh doanh hộ gia đình cho hơn 5.768 phụ nữ, giúp hơn 200 phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh, gần 3.000 phụ nữ được đào tạo, bồi dưỡng nghề.
Tỉnh Bắc Giang cũng lựa chọn, hỗ trợ 17 HTX, mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi… Trong đó, tỉnh đang triển khai các hoạt động hỗ trợ mô hình thí điểm trồng hoa và trồng rau hữu cơ tại TP Bắc Giang; tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật chăn nuôi gà cho 50 người là thành viên THT chăn nuôi gà thả vườn Quế Sơn và những hội viên đang chăn nuôi gà có mong muốn vào THT...
Sắp tới, Bắc Giang dự kiến tiếp tục triển khai hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp làm giàu theo hướng hoạt động có trọng tâm, qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế, trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Nhật Minh