Là một tỉnh miền núi, có thế mạnh phát triển nông nghiệp, đặc biệt là rau màu và cây ăn quả nên Sơn La rất chú trọng đến phát triển các HTX. Nhiều HTX tiêu biểu ở Sơn La đang làm động lực để các địa phương khác học hỏi kinh nghiệm thực tiễn và cũng thể hiện hướng đi đúng đắn trong giảm nghèo của tỉnh.
HTX đa giá trị
Tại HTX Cây ăn quả an toàn Bản Ôn (nông trường Mộc Châu), nhờ chủ động ứng dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân hữu cơ vi sinh và phân hữu cơ do các hộ thành viên tự ủ bằng đậu tương, ngô bột, rác thải hữu cơ, phân chuồng và men vi sinh để bón cho cây trồng, diện tích cây ăn quả của HTX đều cho sản lượng khả quan.
Hiện, tổng sản lượng các loại quả của HTX đạt khoảng 900 tấn/năm, doanh thu hàng năm đạt khoảng 36 tỷ đồng, thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất đạt khoảng 600 triệu đồng/ha/năm.
Ông Chu Quang Tạo, Giám đốc HTX Cây ăn quả an toàn Bản Ôn cho biết, áp dụng khoa học kỹ thuật, chủ động đầu tư phân, thuốc hữu cơ, sinh học giúp môi trường ở các đồi cây ăn quả không bị ô nhiễm. Các thành viên tuy là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đến nay không ai còn dùng thuốc diệt cỏ, hay bón phân vô tội vạ. Điều này là nền tảng vững chắc để HTX chuyển đổi từ sản xuất an toàn sang hữu cơ.
Sau khi tìm hiểu thị trường và đánh giá tình trạng cây trồng, HTX đang hướng tới giảm dần diện tích cây mận vì nhiều cây đã già cỗi, đồng thời tăng diện tích trồng cam canh, cam Vinh, cam V1, V2… Đi liền với đó, các thành viên tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, làm chủ các kỹ thuật sản xuất.
Mô hình sản xuất cây ăn quả của HTX Bản Ôn đang giúp người dân phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế các loại sâu bệnh và ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các loại nông sản.
Đặc biệt, tham gia HTX, các thành viên đều có thu nhập khá cao. Trung bình mỗi ha cây ăn quả có thể mang về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm. Hiện, mỗi thành viên trong HTX có diện tích 2-5ha cây ăn quả. Đời sống thành viên vì vậy cũng được nâng cao, từ đó góp phần vào quá trình giảm nghèo ở bản Ôn. Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Ôn đang là 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%.
Cùng hướng đi bền vững, HTX Nông nghiệp Sơn La (Mai Sơn) đã tận dụng nguồn phụ phẩm từ cà phê, bã sắn, bã dong riềng từ một số huyện ở Sơn La, Điện Biên và nguồn phân từ chính hoạt động chăn nuôi của HTX... để ủ phân bón nuôi trùn quế, phát triển quy trình sản xuất tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Để xử lý vỏ cà phê, bã sắn, bã dong riềng, HTX đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, sau đó dùng men vi sinh để xử lý thành phụ phẩm và cũng là thức ăn cho trùn quế. Ngoài lượng phân từ 1.200 con bò từ trang trại của HTX, các thành viên còn ký hợp đồng với 7 hộ nuôi bò có quy mô gia trại tại huyện Mai Sơn theo hình thức vừa thu mua, tiêu thụ đại gia súc thương phẩm cho nông dân, vừa thu mua cỏ voi tươi, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, như: Ngọn mía, lõi ngô, cây ngô... ủ ướp làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc. Toàn bộ chất thải từ chăn nuôi được HTX hướng dẫn, hỗ trợ men vi sinh để xử lý làm thức ăn nuôi trùn quế.
Phát triển HTX giúp tạo việc làm và giảm nghèo hiệu quả ở Sơn La. |
Anh Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Sơn La, cho biết trung bình, 1ha trùn quế, cần 1.000 m3 phân đại gia súc và 600 m3 vỏ cà phê, cho ra khoảng 500 tấn phân bón hữu cơ. HTX liên kết với doanh nghiệp để thực hiện gia công phân bón theo quy trình nhằm bảo đảm chất lượng, mẫu mã khi ứng dụng vào thực tiễn và cung cấp ra thị trường.
Hiện, phân bón của HTX đã được cung cấp cho các mô hình sản xuất hữu cơ của người dân, HTX trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, nguồn thu từ phân hữu cơ trùn quế của HTX đạt khoảng 30 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động địa phương, thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. HTX Nông nghiệp Sơn La đang là mô hình mang lại nhiều giá trị khi vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng cao chất lượng nông sản vừa góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Lấy HTX làm điểm tựa
Là một tỉnh miền núi và đa dân tộc sinh sống, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số nên quá trình giảm nghèo của Sơn La cũng gặp những khó khăn nhất định. Đặc biệt, nhiều địa phương có giao thông từ trung tâm xã đến các bản còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới công tác vận chuyển nông sản đi tiêu thụ cũng như ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển nguyên, vật liệu phục vụ cho xây mới, sửa chữa nhà ở cho các hộ. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân chưa đồng đều, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…
Theo thống kê từ UBND các huyện, thành phố, đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 52.883 hộ nghèo, chiếm 17,83%; 28.702 hộ cận nghèo, chiếm 9,68%. Số hộ dân tộc thiểu số là 237.976 hộ, chiếm 83,78%. Trong đó, số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 52.075 hộ, chiếm 21,88%; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 28.246 hộ, chiếm 11,87%.
Vì tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn khá cao nên Sơn La vẫn duy trì phát triển các mô hình HTX để hỗ trợ người dân làm kinh tế, từng bước thay đổi nhận thức trong sản xuất cũng như tận dụng nguồn lao động, điều kiện khí hậu tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, cơ quan quản lý ở Sơn La lại rất nhanh nhạy, nắm bắt được điểm mạnh để tập trung phát triển. Trong đó, tỉnh đã có những quyết sách cụ thể hỗ trợ người dân phát triển các loại cây ăn quả, trồng rau màu theo hướng bền vững.
Sơn La cũng lấy kinh tế tập thể, HTX làm điểm tựa để người dân liên kết sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật... Đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã có 740 HTX nông nghiệp, trong đó có gần 200 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, với tổng thành viên của các HTX là trên 32.000 người.
Các HTX đã và đang đồng hành, hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, đồng thời còn đẩy mạnh hợp tác, hướng dẫn kỹ thuật nhân rộng mô hình xử lý phụ phẩm nông nghiệp ở hộ gia đình, các HTX khác trên địa bàn.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Sơn La đang hỗ trợ hàng chục hộ dân ở xã Chiềng Mung xử lý nước thải, chất thải cà phê bằng men vi sinh. HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (Mộc Châu) đang hỗ trợ 200 hộ dân ứng dụng kỹ thuật trồng cây ăn quả, rau màu tiên tiến để phát triển chuỗi giá trị hàng hóa. HTX Nông nghiệp Quyết Thanh (Mộc Châu) hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ vào sấy mận, chuối, hồng sấy, đu đủ làm nước cốt chanh leo theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thay đổi phương thức hỗ trợ
Đặc biệt, các HTX đã là nơi tạo việc làm bền vững, góp phần chuyển dịch việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo cho người dân.
Theo thống kê từ UBND tỉnh, các HTX ở Sơn La ngoài thu hút trên 32.000 thành viên, còn tạo việc làm thường xuyên cho 9.935 lao động. Trong đó, 7.600 lao động làm việc trong các HTX hoạt động lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; 1.422 lao động làm việc tại các HTX thương mại, dịch vụ du lịch, quản lý chợ. Số lao động còn lại làm việc tại các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước; vận tải. Nhiều lao động trong số này là lao động vùng đồng bào dân tộc, lao động nghèo, vùng đặc biệt khó khăn… Đóng góp của các HTX đang giúp Sơn La giảm trung bình 3% tỷ lệ hộ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm.
Theo đánh giá của ngành chức năng, một trong những điểm nhấn tại Sơn La đó là đã chú trọng đổi mới phương thức hỗ trợ người nghèo. Thay vì hỗ trợ riêng lẻ từng hộ, tỉnh đã chuyển sang hỗ trợ thông qua các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, câu lạc bộ). Thông qua HTX, các hộ thành viên hoặc hộ liên kết với HTX sẽ đóng góp bằng ngày công lao động, hiện vật hoặc tiền vốn.
Điều này không chỉ giúp Sơn La từng bước xoá bỏ chính sách cho không và khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo của người dân. Đặc biệt, chính sách này cũng làm nền tảng để thúc đẩy các HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ phát triển. Từ đó làm điểm để đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, chuyển dịch lao động phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Minh Nhương