Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đánh giá, cả tỉnh có hơn 500 HTX và trên 2.000 tổ hợp tác đang hoạt động. Khu vực kinh tế tập thể, HTX thu hút trên 97.000 thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là đại diện hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, các HTX tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương với bà con nông dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo.
HTX là công cụ giảm nghèo hiệu quả
Kiên Giang xác định mục tiêu xây dựng HTX, liên hiệp HTX là hỗ trợ người nghèo, người yếu thế trong sản xuất tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội một cách bình đẳng để họ tự lực vượt qua nghèo đói, cải thiện cơ bản cuộc sống.
Các dịch vụ đầu vào của HTX đã giúp nhiều thành viên vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững. |
Từ đó, nhận thức của một bộ phận người nghèo từng bước được nâng lên, tự giác chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Giúp người dân thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất và trong đời sống, tích cực tham gia học tập và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, tích luỹ kinh nghiệm trong sản xuất.
Đơn cử HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa (xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành) hiện có tổng số thành viên đại diện hộ là 141 thành viên, số lượng lao động là 65 người. HTX hoạt động với diện tích tự nhiên 360,75ha, diện tích lúa 3 vụ là 310.01ha, diện tích vườn và đất thổ cư 22.79ha.
Ngay từ ban đầu, HTX xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương. HTX vận động bà con thành viên góp vốn thuê cơ giới xây dựng bờ bao khép kín kết hợp xây dựng hệ thống giao thông kiên cố, giúp cho hệ thống thủy lợi hiện nay được hoàn chỉnh, ổn định sản xuất 3 vụ lúa/năm.
Hơn nữa, HTX còn góp vốn tổ chức các dịch vụ ngành nghề kinh doanh phục vụ hỗ trợ thành viên nâng cao thu nhập giải quyết việc làm, tham gia xóa đói giảm nghèo.
Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa Đoàn Văn Bấu chia sẻ: “HTX mà không có dịch vụ, chỉ tập hợp nông dân để thông báo lịch thời vụ, thuê máy bơm tưới chung nhưng ruộng mạnh nhà nào nhà nấy làm thì chỉ tồn tại cho có hình thức. Người nông dân đã có đất, có lao động, cái họ cần là dịch vụ phục vụ sản xuất, từ khâu làm đất đến thu hoạch, phơi sấy và cuối cùng là đầu ra của sản phẩm. Thực tế cho thấy, HTX nông nghiệp chỉ phát triển được khi làm tốt các dịch vụ này cho thành viên”.
HTX còn giúp bà con thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào như dịch vụ bơm tát tưới tiêu, dịch vụ thu hoạch, dịch vụ sấy, dịch vụ sản xuất giống để cung cấp lúa giống cho thành viên.
Bên cạnh đó, HTX có quỹ hỗ trợ vốn cho thành viên, HĐQT huy động bà con thành viên có tiền nhàn rỗi góp vốn vào hoạt động của quỹ hỗ trợ thành viên HTX. Điều này nhằm giúp đỡ cho bà con còn gặp khó khăn về vốn hoặc khó tiếp cận với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, giúp hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Đồng thời, HTX vận động nông dân cải tạo vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái và các loại hoa màu phụ ngắn ngày có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, tận dụng ao trống nuôi cá nước ngọt, phong trào trồng hoa vạn thọ, hoa huệ, trồng màu trên bờ kênh thủy lợi phát triển mạnh, hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện mục tiêu kép
Thông qua các dịch vụ đầu vào, thành viên có thể giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm. Các thành viên cũng được hưởng lãi chia theo vốn góp hay tỷ lệ sử dụng dịch vụ.
HTX phát huy vai trò tương trợ lẫn nhau giữa thành viên HTX và giữa HTX với cộng đồng. |
Nói cách khác, thành viên chính là chủ sở hữu của các HTX, họ vừa được hưởng các dịch vụ do HTX cung cấp và có trách nhiệm phát triển HTX của mình, từ đó thu nhập của thành viên cũng được nâng cao.
Có thể khẳng định, HTX có vai trò rất quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, đồng thời còn là mô hình chống tái nghèo hiệu quả và bền vững nhất. Kết quả đạt được của khu vực kinh tế hợp tác, HTX những năm qua trong xóa đói giảm nghèo là rõ nét, đóng góp căn bản cho phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Kiên Giang.
Đại diện Văn phòng giảm nghèo tỉnh Kiên Giang cho biết, các HTX được thành lập với mục tiêu liên kết để cung cấp dịch vụ đầu vào liên quan đến sản xuất cho thành viên với giá cả hợp lý và chất lượng tốt; hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm nông sản; hướng dẫn thành viên sản xuất đạt năng suất, hiệu quả cao.
Đồng thời, giúp thành viên hoàn thiện kỹ năng quản lý quy trình sản xuất, cung cấp các dịch vụ phi nông nghiệp nhằm tạo nguồn thu bền vững cho HTX hoạt động không phụ thuộc vào giá thị trường, chăm lo phúc lợi thành viên, tương trợ lẫn nhau giữa thành viên HTX và giữa HTX với cộng đồng địa phương.
“Kiên Giang đặt mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 0,2%/năm trở lên theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 0,4%/năm; phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển; 50% số xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2025 giảm dưới 2%”, đại diện Văn phòng giảm nghèo tỉnh cho hay.
Kim Yến