Địch Quả là xã miền núi, có tổng diện tích tự nhiên 1.831,66 ha, với trên 7.700 nhân khẩu, được phân bố ở 19 khu dân cư. Xã xuất phát điểm nông thôn mới (NTM) với 8/19 tiêu chí đạt chuẩn. Năm 2017, sau những nỗ lực không ngừng, xã đã xuất sắc hoàn thành 19/19 tiêu chí và trở thành xã NTM thứ hai của huyện Thanh Sơn.
Hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã chăn nuôi gà An Phú đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương |
Mở rộng tầm nhìn
Sau gần 2 năm về đích NTM, với một nền tảng kinh tế, xã hội vững chắc, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, xã Địch Quả đang rất tự tin hướng đến các mục tiêu xây dựng NTM nâng cao.
Trong hơn 8 năm xây dựng NTM, thành công lớn nhất của xã là những tiến bộ trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của toàn xã đạt trên 30 triệu đồng/ người/năm, tăng xấp xỉ 2 lần so với năm 2010.
Để có được thành công trên, xã đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân triển khai nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, điển hình như mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp mới, thâm canh lúa lai, lúa chất lượng cao…
Các mô hình chăn nuôi quy mô tập trung gắn với bảo vệ môi trường được hỗ trợ; khuyến khích phát triển HTX chăn nuôi gà và làng nghề chế biến chè theo hướng có liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn, hình thức liên kết đa chiều thông qua hợp đồng thời vụ hoặc dài hạn.
Bên cạnh đó, xã chủ trương đa dạng hóa các ngành nghề nông thôn theo chuyên môn hóa, đẩy mạnh phát triển dịch vụ; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân dân đã được hỗ trợ mua 16 máy cày bừa, 295 bình phun thuốc bảo vệ thực vật chạy ắc quy, 81 con bò lai giống chất lượng cao, 6 máy đập lúa, 134 con lợn giống; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được 11 lớp với hơn 425 lượt người tham gia…
Các mô hình chăn nuôi hiệu quả đang là điểm tựa cho phát triển NTM tại Địch Qủa |
Nền tảng từ chăn nuôi
Ông Kiều Đức Mạnh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thanh Sơn, cho biết: “Địch Quả đang là 1 trong 3 xã NTM của huyện. Một trong những điểm tựa tạo chuyển biến trong xây dựng NTM của xã Địch Quả đến từ hiệu quả của các mô hình chăn nuôi và HTX”.
Những năm qua, không dừng lại ở chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, theo hướng tự cung tự cấp, nhiều hộ chăn nuôi ở Địch Quả đã mạnh dạn đầu tư vốn, con giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn 1.000 - 2.000 con/lứa, đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật chăn nuôi mới.
Toàn xã Địch Quả hiện có hơn 100 hộ nuôi gà quy mô lớn, với số lượng bình quân 1.000 - 2.000 con/lứa. Chăn nuôi gà thả vườn đã tạo được việc làm cho trăm hộ dân, hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 3,5 - 4 triệu đồng/ người/tháng.
Năm 2016, HTX Nông nghiệp An Phú được thành lập, với sự tham gia của 24 hộ thành viên, trở thành pháp nhân trong giao dịch và hoạt động của người chăn nuôi trên địa bàn xã Địch Quả. HTX cũng trở thành sợi dây kết nối để các hộ chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn, hiệu quả.
Giám đốc HTX An Phú - anh Phạm Quốc Tuấn, cho biết: “HTX ra đời với mục tiêu trở thành chỗ dựa cho thành viên và người chăn nuôi trên địa bàn phát triển chăn nuôi an toàn, mang lại các giá trị bền vững, đồng thời, có những đóng góp tích cực cho chương trình xây dựng NTM của địa phương”.
Thời gian tới, cùng với tiến trình xây dựng NTM nâng cao, các mô hình HTX, hộ chăn nuôi sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh, hướng tới các trang trại chăn nuôi theo chuỗi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Hưng Nguyên