Phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa, sản xuất theo hướng hàng hóa là mục tiêu quan trọng được chính quyền huyện Lâm Thao đặt ra nhằm giúp nhiều hộ dân có thêm việc làm nhằm từng bước giảm nghèo hiệu quả và bền vững đồng thời giữ vững và phát triển các tiêu chí nông thôn mới.
Cầu nối sản xuất
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung được đầu tư quy mô, hiện đại, sản xuất theo chuỗi liên kết, tạo ra các sản phẩm an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ, cung ứng ra thị trường.
HTX dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã được đánh giá là một trong những mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả của huyện Lâm Thao khi xây dựng được chuỗi giá trị hàng hóa rau an toàn.
HTX Tứ Xã đã hình thành chuỗi giá trị bền vững |
Để thực hiện cung ứng sản phẩm rau an toàn cho hệ thống Vinmax của Tập đoàn VinGroup, các thành viên của HTX rau an toàn Tứ Xã phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt dưới sự giám sát của cán bộ kỹ thuật của công ty Vineco, thuộc Tập đoàn VinGroup. Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX rau an toàn Tứ Xã: Nếu ai không tuân thủ quy trình sản xuất sau nhiều lần nhắc nhở mà không thay đổi sẽ bị loại khỏi HTX nhằm bảo đảm tốt nhất chất lượng và giá trị sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Hiện mô hình sản xuất của HTX đáp ứng được yêu của về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển. Diện tích rau an toàn 5 ha của HTX đã thu hút được 70 hộ tham gia với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 450 – 500 kg/ngày.
HTX dịch vụ sản xuất tương Dục Mỹ, xã Cao Xá có 38 hộ sản xuất, sản lượng đạt trên 40 nghìn lít/năm. Nhờ làm tốt khâu liên kết với các đon vị trong và ngoài tỉnh, khả năng tiêu thụ tương của HTX đối ổn định.
Nhờ đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, hoạt động cảu HTX không chỉ tạo việc làm và lợi nhuận cho thành viên mà còn giúp người dân địa phương phát triển diện tích đỗ tương. HTX sản xuất sản phẩm tương Dục Mỹ hiện được coi là một trong những mô hình sản xuất mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình ở xã Cao Xá., đồng thời bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Trên địa bàn huyện lâm Thao hiện có 5 tổ hợp tác và 36 HTX với trên 19.700 thành viên tham gia. Nhiều tổ hợp tác, HTX trên địa bàn huyện có sự đổi mới, mở rộng loại hình, đa dạng loại hình dịch vụ, đặc biệt là chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của người dân và sự phát triển của thị trường.
Không chỉ các HTX, các hộ dân ở Lâm Thao cũng ý thức được vai trò của mô hình sản xuất hàng hóa. Không ít hộ đã ứng dụng kỹ thuật, đầu tư cho sản xuất.
Anh Bùi Văn Tiến khu 20 xã Tứ Xã từng nuôi lợn và vịt nhưng thu nhập không cao. Gần đây, anh đã phát triển hơn 2ha cá. Nhờ ứng dụng khoa học, được địa phương hỗ, mỗi năm anh thu trên 3 tấn cá. Ngoài ra anh còn kết hợp nuôi vịt nên giảm chi phí thức ăn.
Hiệu quả thiết thực
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện Lâm Thao đã tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ giá giống, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh theo các chương trình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, thuê đất sản xuất nông nghiệp...
Bên cạnh đó, các cấp ngành liên quan đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn áp dụng các quy trình khoa học, hiệu quả như: Quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, bón phân khép kín; hệ thống đảm bảo chất lượng sản xuất rau an toàn PGS; sử dụng chế phẩm sinh học an toàn với môi trường; áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng con giống; đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất cũng được huyện đẩy mạnh, nhằm đáp ứng nhu cầu về diện tích canh tác, áp dụng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và tạo các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Việc phát triển các HTX cũng tạo điều kiện cho ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ và thu hút người dân liên kết snar xuất nhằm giảm khó khăn.
Hiện nay, huyện đã quy hoạch phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã Cao Xá, Vĩnh Lại, Sơn Dương, Bản Nguyên, Kinh Kệ theo mô hình cánh đồng lớn.
Đặc biệt huyện đã thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư. Như công ty CP giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam liên kết với HTX Vĩnh lại sản xuất lúa giống J02, quy mô 30ha tại.
Cùng với cây lương thực, tại xã Tứ Xã, Bản Nguyên, Cao Xá, Kinh Kệ, thị trấn Lâm Thao... cũng đã hình thành các vùng sản xuất rau, củ, quả, diện tích gieo trồng các loại đạt trên 1.100ha.
Đến nay toàn huyện có 62 trang trại ở các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và trang trại tổng hợp. Một số trang trại đầu tư hệ thống chuồng trại theo công nghệ khép kín, tiên tiến, lợi nhuận bình quân đạt 380 triệu đồng/trang trại, giúp cho nhiều lao động có việc làm và cải thiện đời sống với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể nói những mô hình, những vùng sản xuất tập trung ở Lâm Thao Phú Thọ đã tận dụng và khai thác được thế mạnh phát triển nông nghiệp tại địa phương. Từ đó ạo chuyển biến về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích và thu nhập của người nông dân.
Những gì đã và đang làm chính là nền tảng vững chắc để năm 2020, Lâm Thao vươn lên trở thành một trong những vùng trọng điểm cung cấp sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, phục vụ tiêu dùng cho nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Điều này giúp giá trị sản phẩm bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác của huyện đạt trên 130 triệu đồng/ha, trong đó giá trị sản phẩm một số vùng sản xuất hàng hóa đạt trên 250 triệu đồng/ha; tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,5 – 4%/năm, đời sống của người dân cũng được nâng cao, bộ mặt nông thôn từ đó cũng đổi mới và ngày càng phát triển.
Như Yến