Được thành lập với sự hỗ trợ của Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh và tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại thôn Đhrôồng (xã Tà Lu, Đông Giang), THT dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng ra đời với 18 thành viên là chị em phụ nữ ở thôn Đhrôồng. Nếu như trước đây việc sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún và thuần tự cung tự cấp thì việc THT ra đời đã mở ra hướng phát triển cho làng nghề truyền thống ở vùng cao.
Tạo sinh kế ổn định
Với mức đóng góp vốn của mỗi tổ viên từ 800.000 - 1.300.000 đồng, THT hoạt động dựa trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự trang trải chi phí hoạt động, hợp tác và phát triển cộng đồng, sản xuất tập trung tại một địa điểm theo mô hình của làng thổ cẩm truyền thống Zara (Nam Giang).
THT dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng ra đời giúp ổn định sinh kế người dân vùng cao (Ảnh: TL) |
Đại diện Liên minh HTX tỉnh cho biết, cách làm này không chỉ góp phần duy trì và bảo tồn nghề truyền thống, phát huy hiệu quả kinh tế mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào.
“Gắn với tiềm năng du lịch cộng đồng bắt đầu được đánh thức trên địa bàn huyện Đông Giang, THT dệt thổ cẩm Đhrôồng sẽ phát huy được lợi thế của sản phẩm du lịch bản địa, mang lại lợi ích thiết thực cho những thành viên tham gia sản xuất. Tuy quy mô ban đầu của THT chỉ xuất phát từ 18 thành viên, nhưng đến nay THT đã mở rộng và phát triển mô hình rất khả quan.” - vị đại diện cho biết thêm.
Việc hình thành mô hình THT dệt thổ cẩm truyền thống Đhrôồng đã được đánh giá thông qua quá trình khảo sát, tổ chức các lớp đào tạo về hoạt động của mô hình THT, kỹ năng hoạt động nhóm, kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh theo nhóm…
Chị Bhling Thị Treng, Tổ trưởng THT dệt thổ cẩm Đhrôồng, chia sẻ: “Các thành viên trong tổ được học nhiều lớp đào tạo về chuyên môn, về cách dệt, sản xuất các mặt hàng theo quy cách, mẫu mã quy định; học về làm việc chung, giúp đỡ nhau trong công việc, quản lý sổ sách kinh doanh, phân công nhiệm vụ của từng thành viên. Đến nay, mỗi thành viên đều nắm rõ được công việc, vai trò của mình, phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện”.
Chú trọng đào tạo, nâng cao giá trị các sản phẩm
Nhờ sự hỗ trợ của dự án ILO, các kiến thức về thiết kế, phối màu, sử dụng phương tiện máy móc hỗ trợ và sản xuất theo các mẫu đều được tập huấn kỹ, vì vậy giá trị của thổ cẩm truyền thống Cơ Tu được nâng lên rõ rệt.
Các sản phẩm của THT dệt thổ cẩm Đhrôồng (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, việc triển khai đào tạo cho các thành viên THT mô hình dệt thủ công truyền thống, mẫu mã, vật liệu, các họa tiết trang trí đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của việc gắn sản phẩm với đối tượng chính là khách du lịch và hướng đến thị trường du lịch.
Do vậy, sản phẩm của THT dệt thổ cẩm Đhrôồng là các mặt hàng thổ cẩm với hoa văn truyền thống đặc sắc, có giá trị cao.
Ngoài ra, THT cũng đào tạo, tập huấn để sản xuất những sản phẩm có mẫu mã theo đơn đặt hàng như khăn chạy bàn, vỏ gối, khăn choàng, túi vải thổ cẩm, túi đựng rượu…
Nhằm hỗ trợ THT phát triển hơn nữa các sản phẩm phục vụ khách du lịch, huyện Đông Giang đã trích từ nguồn khuyến công, hỗ trợ 40 triệu đồng mở lớp đào tạo nâng cao tay nghề cắt may cho các thành viên để đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm thổ cẩm, phù hợp nhu cầu tiêu dùng của khách hàng ở nhiều điểm du lịch tại các địa bàn ngoài huyện.
Theo đó, THT đã xây dựng biểu tượng, phát triển thương hiệu tại chỗ và lập các điểm ký gửi, các thị trường bán sỉ tại Hội An, Hà Nội…
Hiện, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể THT dệt thổ cẩm Đhrôồng, mẫu nhãn hiệu “COTU YAYA DHROONG” cho 4 nhóm sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu. Đây chính là điều kiện căn bản để tăng sức cạnh tranh trên thương trường, tránh tình trạng hàng nhái gây ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu.
Ngọc Giang