Hiện nay, 90% người dân ở Bình Ba đã tận dụng thế mạnh vùng biển để phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng người dân đến phát triển sản xuất bền vững, địa phương đã tạo điều kiện để các hộ cùng nhau thành lập HTX nuôi trồng thủy sản Bình Ba.
Chủ động trước thiên nhiên
Thời tiết biến đổi ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi tôm của HTX Bình Ba. Bài học từ những cơn bão đã cho thấy, khi biển động, gió lớn, người nuôi tôm thiệt hại rất nặng nề về cả người và tài sản.
Theo Ban giám đốc HTX Bình Ba, những trận bão gió giật mạnh và thiệt hại cả về người và của là điều từng xảy ra ở đây vì người dân thường chủ quan, lại đầu tư không bài bản, khi có thiên tai thì xót của, lúc đó mới lo giữ lồng, giữ tôm. Có người thiệt mạng vì bơi xuồng, bơi thúng ra kiểm tra tôm giữa lúc mưa to gió lớn.
Những điều này cũng là bài học cho các thành viên HTX Bình Ba khi đi vào sản xuất theo mô hình HTX, cũng chính là vấn đề mất an toàn lao động trong nuôi trồng thủy hải sản tại địa phương.
Để hạn chế tình trạng này, HTX Bình Ba đã tập trung quản lý chặt chẽ, khoa học thành viên và người lao động, đồng thời thực hiện cảnh báo, tuyên truyền thông tin về diễn biến thời tiết kịp thời để người lao động và các thành viên chủ động phòng tránh.
Thành viên và người lao độngt tại HTX Bình Ba đã nâng cao ý thức an toàn lao động trong quá trình nuôi tôm (Ảnh:TL) |
HTX cũng đầu tư một số lồng sắt có lưới làm bằng hợp kim đồng. Thực tế đã trải qua một số cơn bão cho thấy, các lồng nuôi của HTX vẫn bảo đảm chất lượng, không biến dạng sau mưa bão.
Tuy đầu tư lồng sắt tốn kém chi phí, lại mất công bọc lưới vào lồng nhưng theo các thành viên, ưu điểm của loại lồng này là nặng gấp 4-5 lồng được làm từ gỗ nên chịu được gió bão. Trong khi các mắt lưới rất thông thoáng nên tăng cường lưu thông nước, hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi.
Từng gặp khó khăn và thiệt hại từ những cơn bão, giờ đây, khi tham gia HTX, các thành viên HTX Bình Ba mới hiểu được tầm quan trọng của vấn đề an toàn lao động trong sản xuất.
Các thành viên luôn chú trọng gia cố lồng bè chắc chắn. Nếu có thông tim mưa bão, mọi người chủ động lai dắt lồng bè về nơi kín gió để bảo đảm an toàn.
“Đối với an toàn lao động trên bè, chúng tôi đều chấp hành nghiêm chỉnh việc di dời về nơi an toàn trước khi có bão vì lúc này bảo đảm an toàn tính mạng con người là quan trọng nhất” - ông Mai Văn Mẻ, người lao động trong HTX, cho biết.
Bên cạnh đó, HTX cũng trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như ống thở, kính lặn… phục vụ việc người lao động phải lặn sâu xuống dưới mặt nước biển để cho tôm ăn và vệ sinh lồng. Ngoài ra, bộ sơ cấp cứu với các phương tiện sơ cứu như bình ô-xy nguyên chất, mặt nạ thở... để xử lý cấp thời khi có tai nạn giảm áp cũng được HTX đầu tư…
Với kinh nghiệm và kỹ năng học được từ các buổi tập huấn, người lao động tại HTX đã biết cách nhận biết con nước độc, cách lặn sao để bảo đảm an toàn.
"Với mực nước 5-10m nếu không bảo đảm kỹ thuật sẽ bị thủng màng nhĩ do thay đổi áp lực đột ngột. Chính vì vậy, nắm vững kỹ thuật lặn, tôn trọng quy tắc về thời gian lặn, độ sâu khi lặn, kỹ thuật nghỉ trong quá trình lặn... là những điều bắt buộc đối với những thành viên và người lao động tại HTX" - ông Mai Văn Mẻ thông tin.
Nhờ bảo đảm an toàn lao động mà những tai nạn trong nghề lặn biển hay tai nạn trong quá trình nuôi trồng hải sản trên biển không xảy ra với HTX.
Dìu nhau qua khó khăn
Trước đây, khi chưa có HTX, các hộ thường nuôi tôm theo hình thức nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, chưa có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau cả về kỹ thuật, giống, vốn đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, từ khi có HTX, sự liên kết giữa các thành viên đã nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tiềm lực kinh tế, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, dễ dàng tìm kiếm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm.
Đặc biệt, HTX đã chủ động trong việc ký kết hợp đồng dịch vụ đầu vào lấy giống, thức ăn, thuốc phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng để cung ứng cho các thành viên. HTX cũng khuyến khích các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, nhân rộng mô hình nuôi một cách hợp lý, tránh dư cung.
Vào vụ thu hoạch, tôm sau khi vớt lên khỏi mặt nước sẽ được phân loại ngay trên bè. Tôm được bảo quản kỹ trong những chiếc lồng chuyên dụng để vận chuyển đi các nơi tiêu thụ.
Vào lúc cao điểm, giá tôm hùm bông thương phẩm loại 1 (cỡ từ 0,8 - 1kg/con) dao động trên dưới 2 triệu đồng/kg và tôm hùm xanh gần 1 triệu đồng/kg. Trung bình cứ 10 tấn gồm cả tôm hùm bông và hùm xanh, sau khi trừ chi phí có thể mang về cho HTX số tiền lãi hàng tỷ đồng.
Được đánh giá cao về chất lượng nhưng tôm hùm của HTX Bình Ba cũng gặp khó khăn về đầu ra khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (Ảnh: TL) |
Tuy nhiên, trong thời gian này, dịch Covid-19 khiến đầu ra cho tôm khó khăn hơn những vụ trước, do không xuất khẩu được nên HTX chỉ tập trung xuất bán trong nước.
HTX đứng ra thu mua và “giải cứu” tôm hùm bằng hình thức bán tôm giá rẻ qua mạng xã hội, hệ thống siêu thị, cửa hàng hải sản… ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, cấp bách chứ không mang tính ổn định lâu dài.
Hiện nay, các thành viên phải giảm bớt tần suất cho tôm ăn để cắt giảm chi phí mặc dù tôm đã đến kỳ xuất bán.
Điều HTX mong muốn là có thể một công ty nào đó đứng ra làm hợp đồng thu mua với mức giá ổn định. Có như vậy, người nuôi tôm mới đỡ bấp bênh.
Dù đang gặp khó khăn nhưng theo các thành viên, nuôi tôm là ngành nghề đặc trưng gắn liền với tiềm năng thế mạnh của địa phương nên mọi người đều quyết tâm gắn bó. Mong rằng dịch bệnh sớm kết thúc để HTX có thể xuất bán tôm và hơn thế là mở rộng liên kết với doanh nghiệp để rộng đầu ra hơn nữa.
Như Yến